Trùng trùng điệp điệp lòng dân

22:43 | 20/05/2021 Print
(TBTCVN) - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chia sẻ cảm xúc, “bầu cử giữa mùa đại dịch, càng thấy được trùng trùng điệp điệp lòng dân. Vượt qua những căng thẳng, lo âu vì Covid- 19, người dân vẫn một khí thế náo nức hướng về ngày hội non sông”.

Người dân theo dõi danh sách niêm yết cử tri tại trụ sở HĐND, UBND phường Hàng Đào (Hà Nội).

Người dân theo dõi danh sách niêm yết cử tri tại trụ sở HĐND, UBND phường Hàng Đào (Hà Nội).

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một sự kiện chính trị rất trọng đại của đất nước, diễn ra trong bối cảnh cả nước phải thực hiện 3 nhiệm vụ song song là tập trung ưu tiên về thời gian, nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; tập trung cao độ cho công tác bầu cử và tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế và đảm bảo các hoạt động bình thường của hệ thống chính trị.

Chi ly từng con số

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua xem xét các báo cáo, ý kiến của các địa phương và kết quả kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể khẳng định cho đến nay mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021. Tất cả các địa phương đều quyết tâm hoàn thành bầu cử đúng thời gian, kể cả các địa phương đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng…

Đến nay mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021. Tất cả các địa phương đều quyết tâm hoàn thành bầu cử đúng thời gian, kể cả các địa phương đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng…

“Nhưng quan trọng nhất vẫn là Nhân dân”, ông Huệ nói, “mỗi lá phiếu tuy mỏng manh, nhưng đó không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của Nhân dân với tương lai của đất nước. Mỗi kỳ bầu cử đã qua, chúng ta đều được chứng kiến cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ rất cao. Cả những nơi miền núi hiểm trở, cheo leo như Hà Giang, cũng đạt trên 90%. Nhưng mùa bầu cử này, đúng lúc phải căng mình chống đại dịch, với nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, bởi vậy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay, chắc chắn là một con số cực kỳ ý nghĩa, bởi đó chính là sức dân, lòng dân, càng gian khó, càng không ngừng cố gắng cho Tổ quốc”.

Tổng hợp số lượng cử tri trong cả nước được Chính phủ báo cáo lên Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu cử lần này cả nước có 69.198.594 cử tri tham gia bỏ phiếu, con số được tính “chi ly” đến từng người dân. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện tạm dừng một số hoạt động, loại hình dịch vụ không thiết yếu. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang học tập theo hình thức trực tuyến, dẫn đến có không ít người lao động và sinh viên, học viên đã rời các thành phố lớn để trở về quê. Điều này dẫn đến những biến động nhất định trong danh sách cử tri đã được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri.

Đảm bảo tỷ lệ cao nhất

Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải rà soát, cập nhật từng ngày, từng giờ về biến động của số lượng cử tri; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa những địa phương nơi mà cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu với những địa phương nơi mà cử tri trở về quê hoặc phải đi cách ly tập trung… để trao đổi, thống nhất với cử tri trong việc gạch tên khỏi danh sách cử tri nơi đã đăng ký tham gia bỏ phiếu trước đây và bổ sung kịp thời vào danh sách cử tri nơi mới đến, nhằm bảo đảm quyền của cử tri cũng như đảm bảo tỷ lệ đi bầu cao nhất.

Kỳ bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch, do vậy, không đặt nặng tiêu chí kết thúc bầu cử sớm. Quan điểm của Hội đồng Bầu cử quốc gia, điều quan trọng nhất đó là phải bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, tỷ lệ cử tri đi bầu cao, kết quả bầu đúng, bầu đủ, đúng quy định của pháp luật và an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch Covid-19.

Là cử tri ở đơn vị bầu cử số 1, TP. Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho biết, qua theo dõi Hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV với cử tri quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, người dân đều rất quan tâm lời hứa, chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Người dân đặt niềm tin từ những lá phiếu của họ, Quốc hội Khóa XV được Nhân dân bầu ra sẽ tiếp tục là một tập thể đoàn kết, dân chủ, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Người dân cũng ý thức được khi cầm lá phiếu, đó là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, không phải đi bầu cho xong, không bầu thay, bầu hộ, mà phải bầu cho được người tài, đức, xứng đáng là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân. Bỏ phiếu khách quan và lựa chọn một cách tinh tường nhất.

Hồi hộp từng giờ

Thời gian đến ngày bầu cử chỉ còn tính theo giờ, trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 trong nước và khu vực đang diễn biến rất phức tạp, bùng phát ở một số địa phương và lan rộng tại 29 tỉnh, thành trong cả nước; nhiều khu vực phải cách ly, phong tỏa hoặc giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau. Đó là còn chưa kể, tình hình thiên tai, mưa, bão lụt, an ninh trật tự có thể diễn biễn bất thường…Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu lên thực tế từ cuộc giám sát chuẩn bị bầu cử ở Bắc Cạn, ngay trước hôm đoàn đến kiểm tra, giám sát thì trên địa bàn xảy ra lũ ống, lũ quét làm hơn 400 ngôi nhà bị sạt, có trường hợp bị thương hoặc tử vong.

Hội đồng Bầu cử quốc gia yêu cầu tiếp tục tổ chức diễn tập kỹ càng các phương án tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cũng như sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp về thiên tai, bão lũ, về an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các tình huống tụ tập đông người, đình công, lãn công, gây rối,… nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cuộc bầu cử diễn ra thành công và an toàn. Linh hoạt tổ chức các địa điểm, khu vực bầu cử tại các địa bàn trong diện thực hiện giãn cách xã hội hoặc khu vực cách ly tập trung, hoặc khu vực phong tỏa phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trường hợp có tình huống phát sinh bất ngờ như mưa bão, lũ thì cần có phương án dự phòng các thùng phiếu phụ, các thùng phiếu lưu động.

Đến thời điểm này, có 15 địa phương được Hội đồng Bầu cử quốc gia đồng ý cho bầu cử sớm đối với các khu vực bỏ phiếu có khó khăn trên địa bàn, bao gồm Hải Phòng, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An và Bạc Liêu.

Là địa phương có diễn biễn dịch bệnh COVID-19 đang “nóng” nhất trong cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, “chúng tôi đang phải căng mình ngày đêm cập nhật danh sách cử tri. Do dịch bệnh trong khu công nghiệp, khi xuất hiện các ca F1 thì sẽ cách ly rất nhiều công nhân, có khi một trường hợp F1, cách ly hàng nghìn công nhân. Điều chỉnh danh sách cử tri phải cập nhật liên tục để làm sao rà soát đủ cả những người đi cách ly”.

Còn tại Đà Nẵng hiện đã “kiểm đếm” đủ danh sách cử tri cách ly. Cập nhật đến tối 17/5/2021, Đà Nẵng có gần 6.450 người là F1, F2 đang cách ly tại cơ sở cách ly tập trung y tế và cách ly tại nhà. Tất cả 525 điểm bầu cử trên địa bàn Đà Nẵng đều diễn tập 4 phương án trong phòng chống dịch. Địa phương này cũng đã triển khai xét nghiệm Covid- 19 cho khoảng 12.200 thành viên của các tổ bầu cử tại 525 điểm bầu cử. Triển khai xét nghiệm cho đại diện 276.000 hộ gia đình, bảo đảm một gia đình có ít nhất một người được xét nghiệm y tế trước khi tiến hành bầu cử. Đà Nẵng cũng yêu cầu khai báo y tế điện tử bắt buộc để vừa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, vừa làm cơ sở dữ liệu về người đi bầu cử.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam