Đội quân tóc dài

22:36 | 20/05/2021 Print
(TBTCVN) - Vừa cấp tập đẩy lui các đợt càn quét của “giặc” virut, vừa tất bật chuẩn bị cho ngày hội non sông, lịch sử thời chiến với đại dịch Covid-19 năm 2021 đang tái hiện lại hình ảnh của “đội quân tóc dài”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đội quân có sức “níu cánh máy bay, bịt nòng đại bác, chặn đứng chiến xa” hơn 60 năm trước đã góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong công cuộc thống nhất đất nước.

Tại những địa phương là tâm bão dịch như Bắc Ninh, từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến Giám đốc Sở Y tế đều là nữ. Ở nơi chị em xông pha truy quét địch, thậm chí còn được đánh giá là quyết liệt hơn nhiều so với Bắc Giang, điểm nóng nhất cả nước hiện nay và cũng là nơi đang được cả nước dồn sức vào giúp dập dịch.

Hiện Bắc Ninh có 7/8 huyện, thị xã, thành phố có ca mắc Covid-19. Ngay sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh trong đợt dịch này (ngày 5/5/2021), tỉnh Bắc Ninh đã lập tức rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch điều chỉnh đáp ứng với từng cấp độ của dịch Covid-19 trong tình hình mới, kịch bản triển khai khu cách ly tập trung của tỉnh và các địa phương, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp F1 vào cách ly tập trung với số lượng lớn; tổ chức rà soát các địa điểm trên địa bàn tỉnh, chủ động triển khai bệnh viện dã chiến với quy mô 1.500 giường bệnh… Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, quyết liệt, nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch, thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”.

Bắc Ninh cũng sớm chủ động Kế hoạch đảm bảo công tác y tế cho cuộc bầu cử; xây dựng các phương án tổ chức bầu cử đối với địa phương không có dịch Covid-19; xử lý trường hợp bị sốt, ho, khó thở trong quá trình bầu cử ở địa phương không có dịch Covid-19; tổ chức bầu cử đối với các địa phương có dịch Covid-19; bầu cử trong khu vực cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà và cách ly tại cơ sở y tế.

Tại Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa vừa “tả xung hữu đột” các điểm nóng nhất trên địa bàn, vừa đi thăm, tặng quà các khu cách ly phòng chống dịch, vừa đi kiểm tra công tác bầu cử. Họ vừa quyết liệt yêu cầu, vừa ra sức động viên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cố gắng cao nhất thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ trong thời điểm hiện tại, đó là phòng chống dịch tốt, chuẩn bị cho công tác bầu cử tốt phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tốt.

Tại Vĩnh Phúc, các cuộc họp Tỉnh ủy diễn ra bất kể ngày, đêm. Vào mỗi 6 giờ sáng hằng ngày, lãnh đạo Tỉnh ủy giao ban công tác chống dịch, điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp tình hình thay đổi từng ngày. Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh đã được HĐND tỉnh thông qua chóng vánh đúng như khí thế chống giặc. Mọi người dân độ tuổi từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú hơn sáu tháng trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 miễn phí. Ước tính số tiền chi cho hoạt động này khoảng 342 tỷ đồng… Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bày tỏ, “tỉnh nhà phát triển kinh tế - xã hội đến đâu thì người dân trong tỉnh nhà phải được thụ hưởng những thành quả từ sự phát triển kinh tế - xã hội đến đó và còn phải nhiều hơn, càng lúc khó khăn như dịch bệnh, càng phải được quan tâm hỗ trợ”.

Vào cuối xuân năm ngoái, khi đất nước chính thức bước vào thời chiến với “giặc” Covid-19, để hiệu triệu lòng người cũng như để truyền đi khí thế toàn dân xông pha “ra trận”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lời kêu gọi rất dân giã rằng, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Và vào lúc được coi là cam go nhất trong hơn một năm đối đầu với “giặc”, tựa như đang có sự trở lại của “đội quân tóc dài” từng một thời vang bóng diệt ác phá kìm, giáng cho quân địch những đòn sấm sét. Vậy thì không có lẽ nào để không lạc quan tin rằng, cuộc chiến với đại dịch lần này, Việt Nam cũng vẫn nhất định thành công.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam