Bám sát tình hình dịch, điều hành quản lý ngân sách chủ động, linh hoạt

13:05 | 17/05/2021 Print
Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính cần bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19 để chống dịch có hiệu quả, đồng thời điều hành quản lý ngân sách chủ động, linh hoạt, đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững.

bộ trưởng bộ tài chính Hồ Đức Phớc, covid-19

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc điều hành hội nghị sáng 17/5. Ảnh: Đức Minh

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá về thực hiện chương trình công tác tháng 4/2021, kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 5/2021 của Bộ Tài chính, tổ chức vào sáng 17/5.

Thu ngân sách đạt khá, chi ngân sách theo dự toán

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2021 tổng thu cân đối ngân sách ước đạt 543,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,5% dự toán, trong đó, thu nội địa ước đạt 456,3 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô ước đạt 12 nghìn tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 74,5 nghìn tỷ đồng.

Thông tin thêm tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 16/5 thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện ước đạt hơn 509 nghìn tỷ đồng, bằng 45,6% dự toán; trong đó, thu nội địa đạt 45,4%.

Cũng theo báo cáo tại hội nghị, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đạt 463,7 nghìn tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 86 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ lãi đạt 38,8 nghìn tỷ đồng; chi thường xuyên đạt 338,1 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách 4 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội.

Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng (kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp,...), đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Ngân sách trung ương đã trích dự phòng gần 3 nghìn tỷ đồng, trong đó bổ sung 1.740 tỷ đồng kinh phí cho Bộ Y tế để sử dụng mua vắc xin là 1.237 tỷ đồng, mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 503 tỷ đồng; hỗ trợ 314 tỷ đồng cho các địa phương kinh phí phòng chống dịch Covid-19.

Đảm bảo đầy đủ kinh phí cho phòng chống dịch Covid -19

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong tháng 4/2021 toàn ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực.

Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị: Tập trung hoàn thành chiến lược phát triển ngành Tài chính giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng và hoàn thành chiến lược phát triển kho bạc nhà nước, cũng như chiến lược phát triển hải quan; hoàn thành 4 đề án, trong đó hồ sơ trình Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên nguồn NSNN năm 2022; hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp luật (nghị định, thông tư hướng dẫn,...) đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đúng hiến pháp, không chồng lấn, không mâu thuẫn để tạo đà cho sự phát triển; hoàn thiện trình Chính phủ đề án phân cấp ngân sách đảm bảo chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.

Theo Bộ trưởng, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính cần bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19 để chống dịch có hiệu quả; đồng thời điều hành quản lý ngân sách chủ động, linh hoạt, đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững, đặc biệt là đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế, làm tốt công tác chống buôn lậu, quản lý thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, ngân hàng, dự trữ quốc gia, quản lý nợ công,...

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số đơn vị. Đối với Tổng cục Thuế, Bộ trưởng đề nghị, tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, làm tốt công tác chống chuyển giá; triển khai thí điểm và ban hành sớm quy định của pháp luật về thu thuế trên nền tảng số, khẩn trương áp dụng phát hành hóa đơn điện tử; hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế,...

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Hải quan tập trung thu ngân sách, làm tốt công tác quản lý sau thông quan, kiểm tra chống buôn lậu và hàng cấm, hoàn thiện chính sách thật tốt.

Cũng theo Bộ trưởng, Kho bạc Nhà nước tham mưu trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ báo cáo Quyết toán NSNN năm 2019, báo cáo tài chính nhà nước 2019 và báo cáo Quốc hội đúng thời hạn quy định; thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ, ký quỹ ngân sách đúng với quy định của pháp luật và đảm bảo hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thanh toán các khoản chi theo hướng thực hiện 3 không (không giao dịch tiền mặt – không tiếp xúc khách hàng – không nhận hóa đơn giấy).

Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, Bộ Tài chính chuẩn bị đầy đủ kinh phí, vật tư để mua vật tư, thiết bị, vắc xin phòng, chống dịch; các vụ, cục chức năng của Bộ Tài chính khẩn trương rà soát và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn về mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch trong toàn quốc./.



Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam