Sẽ thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

11:24 | 17/05/2021 Print
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về đề án và hồ sơ xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

TH

Đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính, đầu tư, tổ chức bộ máy

Theo đề án, tỉnh Thanh Hóa nằm trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó xen lẫn 11 huyện thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, hội tụ đủ 3 vùng địa lý, là tỉnh nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ và là vùng Tây Bắc kéo dài, nằm trên đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ ra biển gần nhất ở khu vực Tây Tây Bắc nước ta và Đông Bắc Lào. Tỉnh có đường biên giới trên bộ, trên biển, có đủ loại hình giao thông thuận lợi cho kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sản xuất với quy mô lớn.

Trong bối cảnh đó, xác định Thanh Hóa là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Trung Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa khác so với quy định quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ quản lý, quy mô kinh tế - xã hội và vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế đối với tỉnh Thanh Hóa là cần thiết để Thanh Hóa có thêm cơ hội thu hút, huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, phát huy mọi thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch; giáo dục và đào tạo…

Tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 3/2/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tỉnh Thanh Hóa thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế.

Chính sách đặc thù không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách

Tại hội nghị mới đây thảo luận chi tiết về nội dung của đề án và hồ sơ xây dựng nghị quyết, về cơ bản, các bộ, ngành trung ương đều thống nhất với sự cần thiết xây dựng đề án và hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành và có ý kiến ủng hộ đối với các đề xuất cơ chế, chính sách của tỉnh.

Đồng thời, các ý kiến đề nghị tỉnh Thanh Hóa xem xét, nghiên cứu, bổ sung một số cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý, đầu tư, tài chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh Thanh Hóa. Bổ sung đánh giá tác động của chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài chính và tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật, nhất là các đề xuất chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, việc đánh giá tác động của chính sách cần làm rõ được mức độ phù hợp, tính khả thi của các mục tiêu, lý do lựa chọn chính sách theo 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và khung khổ pháp luật; phù hợp với chủ trương định hướng của Đảng, Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Thanh Hóa; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thế mạnh của tỉnh và vùng trong giai đoạn tới; phù hợp việc cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của HĐND tỉnh, UBND tỉnh trên nguyên tắc phải phù hợp với trình độ phát triển, khả năng quản lý của tỉnh.

Thứ ba cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính, ngân sách đặc thù phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, đảm bảo không ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, không làm thay đổi các cân đối lớn về NSNN và nợ công và cơ chế, chính sách đặc thù phải gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả nguồn lực trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội hóa.


Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam