Vững tin tiến bước, sánh vai cường quốc

15:22 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) - Những ngày tháng 4/2021 đang mở ra một trang sử mới của dân tộc. Tại Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 4/2021, bộ máy Nhà nước có những đổi thay lớn, sẵn sàng khí thế cho hai thập kỷ phía trước, Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc.

Một góc Hà Nội.

Một góc Hà Nội.

Việt Nam có nguyên thủ quốc gia mới khi vào sáng 5/4/2021, 468/468 đại biểu có mặt tại Nghị trường Kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIV tán thành bầu ông Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người vừa trải qua 15 năm ở Chính phủ và trong lịch sử hoạt động của Chính phủ, ông là Thủ tướng đầu tiên được Đảng giữ lại là “trường hợp đặc biệt”.

Tiếp nối sau đó, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Thủ tướng, một điểm nhấn độc đáo, đặc sắc trong phương án nhân sự cấp cao được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII bởi đây là trường hợp đầu tiên, ứng viên Thủ tướng không phải là thành viên Chính phủ. Chiều 5/4/2021, với 462/466 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, giữ chức vụ Thủ tướng.

Trước đó, vào ngày 31/3/2021, 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại Nghị trường Kỳ họp thứ 11 bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng trải qua chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội như Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng; từng trải qua chức vụ Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng như Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều là những nhà lãnh đạo quen thuộc đối với hầu hết người dân. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được người dân biết đến bởi năng lực giữ gìn truyền thống đại đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt vì đất nước, vì Nhân dân. Tên tuổi Thủ tướng Phạm Minh Chính gắn với công cuộc chỉnh đốn, tinh gọn tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị khi ông đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương nhiệm kỳ Đại hội XII; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ qua các lĩnh vực được Đảng, Nhà nước phân công nổi bật với phong cách thẳng thắn, xông pha, không nề hà việc nóng, việc khó.

* Trách nhiệm tận tâm, đó là tình thân

Ngay trong những ngày đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục mang sự nồng ấm này đến trong từng phiên họp, từng cuộc gặp gỡ, từng cuộc đối thoại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận Cấp cao
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tối 19/4/2021. Đây là lần đầu tiên Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng bảo an.

Thế giới ngày càng biết đến Việt Nam, một quốc gia trách nhiệm và nồng hậu, tận tâm, một Việt Nam nỗ lực giương cao ngọn cờ đoàn kết để các mối bang giao đều trở nên như tình thân. Việt Nam đã được tín nhiệm quốc tế rất cao khi 192/193 quốc gia thành viên bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Cùng với việc luôn coi trọng quan hệ với các nước láng giềng thân thiết, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm các nước ASEAN, các cường quốc G-7, 17/20 thành viên G-20, Việt Nam cũng đã nâng tầm vị thế đối ngoại đa phương, đảm nhiệm thành công chủ nhà APEC 2017, ASEAN 2020, AIPA 41; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2..., nhất là Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với nhiều phức tạp đối ngoại nhưng đã vận động thông qua được 84 văn kiện, đạt số lượng kỷ lục… Việt Nam đã khẳng định thêm tiếng nói, uy tín, từ một thành viên nghiêm túc tuân thủ, nay tiến lên tham gia định hình, kiến tạo các cơ chế hợp tác mới.

Ngay trong những ngày đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục mang sự nồng ấm này đến trong từng phiên họp, từng cuộc gặp gỡ, từng cuộc đối thoại. Chủ trì Phiên thảo luận Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” vào tối ngày 19/4/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi Hội đồng Bảo an đề cao trách nhiệm với những người đang “bị bỏ lại phía sau” khi trong 5 năm trở lại đây, xung đột đã cướp đi gần nửa triệu sinh mạng trên toàn cầu, riêng năm 2020, thế giới đã ghi nhận 20 triệu người tị nạn, hơn 50 triệu người mất nơi cư trú do xung đột và gần 170 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Đồng thời, kêu gọi phải tăng cường đoàn kết quốc tế hơn bao giờ hết để cùng chống chọi lại các thách thức to lớn do đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt hay các cuộc xung đột, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, cọ xát, cạnh tranh địa chiến lược…

Cùng với người đồng cấp - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao, ngày 20/4/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quả quyết trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, không quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết những khó khăn này; chỉ có hợp tác và đoàn kết mới đem lại thành công. Các nước cần chung tay hành động vì sự phát triển bao trùm, bền vững và an toàn cho mọi người dân.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tổ chức ngày 22, 23/4/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phát thải bằng không là xu thế tất yếu và là mệnh lệnh cấp bách để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5oC, nhưng quá trình chuyển đổi phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, coi người dân là trung tâm, không để ai “bị bỏ lại phía sau” và được người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học ủng hộ, chung tay hành động.

Nêu rõ trách nhiệm của Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục giảm mạnh điện than; tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mêtan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%. Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2 - 3% lượng phát thải vào năm 2030. Chủ tịch nước cũng lạc quan tin rằng những “thách thức” của biến đổi khí hậu sẽ là “động lực” cho đoàn kết và thay đổi tích cực, góp phần tạo lập tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

* Tự lực tự cường, rộng đường khát vọng

“Tôi muốn nhấn mạnh với các đồng chí về sự tiếp tục”, Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu cho phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi được Quốc hội kiện toàn bằng câu nói như vậy. Người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp đậm nét Chính phủ sẽ kế thừa, ổn định và phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”.

Trước đó, khi phát biểu nhậm chức tại Quốc hội ngày 5/4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: “Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được qua các thời kỳ; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”.

Đất nước tiếp tục lộ trình tự lực tự cường, càng bước tới, càng rộng đường khát vọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo rõ, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ; chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; Tiếp tục kế thừa, tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; Tiếp tục phát huy những kết quả công tác, khí thế thời gian qua, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được…

Tư tưởng chỉ đạo trong xử lý công việc Chính phủ được Thủ tướng nêu rõ, “suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”.

* Đi nhanh tiến xa, tiếp đà thần tốc

Quốc hội đang trong những chuỗi ngày khẩn trương, sôi động và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện quyết tâm dẫn dắt Quốc hội đi nhanh, tiến xa trên cả ba phương diện lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, ngày 13/4/2021.

Sau bài phát biểu nhậm chức ngắn gọn với khoảng 500 từ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận việc ngay lập tức từ ngày 31/3/2021, thay Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. Và ngay khi Kỳ họp này bế mạc, tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ tiến hành phiên họp đầu tiên sau khi Quốc hội tiến hành kiện toàn một số nhân sự Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Chủ trì phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử phải bảo đảm tính liên tục, thông suốt, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối an toàn, tiết kiệm để cử tri lựa chọn các ứng cử viên thực sự ưu tú, thực sự đại diện cho quyền làm chủ của người dân tham gia Quốc hội, HĐND các cấp; để ngày bầu cử 23/5 tới phải thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Các đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia tỏa đi mọi miền, trong đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp giám sát hàng loạt địa điểm bầu cử tại các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh…

Quốc hội đang trong những chuỗi ngày khẩn trương, sôi động và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện quyết tâm dẫn dắt Quốc hội đi nhanh, tiến xa trên cả ba phương diện lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ông cho rằng cả dân tộc đang một khí thế phát triển thần tốc, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phải tiếp đà thần tốc này với một tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực lớn nhất. Muốn vậy, Quốc hội phải thực sự vững mạnh và đoàn kết.

Bởi vậy, đích thân Chủ tịch Quốc hội tới công bố Nghị quyết của Quốc hội về bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước và dự bàn giao công tác của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước, cơ quan vẫn được coi là thanh bảo kiếm của Quốc hội. Thay mặt Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đã nhận được sự tín nhiệm rất cao của Quốc hội bầu giữ chức này; chúc mừng nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Thủ tướng giới thiệu, được Quốc hội nhất trí rất cao phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước phải ngày càng khẳng định vai trò tích cực trong việc góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, phục vụ tích cực hơn nữa cho hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chủ trì làm việc với từng ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nghe từng vấn đề, từ nhỏ đến lớn của từng ủy ban, với cùng một yêu cầu được đưa ra cho họ là, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải chủ động hơn nữa, thậm chí phải thể hiện được vai trò dẫn dắt trong xây dựng pháp luật. Để làm được như vậy, đòi hỏi rất lớn ở năng lực, trình độ, bản lĩnh và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Ông nhấn mạnh rằng, “không còn cách nào khác là từng thành viên phải kiên trì và liên tục học hỏi, nỗ lực vượt lên chính mình vì đất nước, vì Nhân dân”.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam