Phát triển một nền lâm nghiệp có trách nhiệm

18:43 | 23/04/2021 Print
Để hiện thực hóa mục tiêu tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp cần phải xã hội hóa nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực. Từ đó, phát triển một nền lâm nghiệp có trách nhiệm.

lâm nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Chiều ngày 23/4/2021, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 27/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 523/QĐ-TTg và Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.

Mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất một tỷ cây xanh

Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết, sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế lâm nghiệp đã giúp nhiều địa phương có nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động. Sự tăng trưởng của độ che phủ rừng có thể nói là một trong những “chìa khóa“ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chiến lược) và Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 phê duyệt đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025" (đề án) cùng với Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn là những văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý, chính sách quan trọng cho lĩnh vực lâm nghiệp trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Các địa phương cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích trồng cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ trồng 1 tỷ cây xanh; tổ chức rà soát, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về giống cây trồng lâm nghiệp và lâm sinh để hướng dẫn các địa phương thực hiện”.

Đối với đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025", ông Hà Công Tuấn cho hay mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm phần nào bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Thủ tướng đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, trong quá trình triển khai thực hiện chúng ta phải nâng cao được nhận thức, ý thức của người dân và cộng đồng, xã hội hóa trồng rừng, trồng rừng đi đôi với chăm sóc, kiểm tra để cây phát triển, tránh phô trương, hình thức, lãng phí” – ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh,

Bên cạnh đó, xác định rừng là thành tố quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong kế hoạch thực hiện chiến lược, Tổng cục Lâm nghiệp ưu tiên phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn. Cùng với đó, ngành lâm nghiệp cũng chú trọng đặc biệt đến công tác giống lâm nghiệp.

lâm nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị chiều 23/4/2021. Ảnh: Khánh Linh

Huy động nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép

Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch triển khai nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược, đề án.

Đặc biệt, để đề án, chiến lược trở thành hiện thực, theo Bộ NN&PTNT, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện như xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế...

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đối với đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Có thể nói, từ ý tưởng tốt chúng ta sẽ tạo ra được nguồn lực. Nếu có một chính sách tốt thì các nguồn lực xã hội có thể đóng góp rất nhiều cho đề án 1 tỷ cây xanh này, không chỉ là tài chính mà còn có thể là tư duy, sáng kiến".

Đối với mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp nói chung, cần tìm phương án để giải quyết vấn đề nhân lực khi hiện nay đầu vào của các đơn vị đào tạo về nông nghiệp. Vì vậy, cần truyền cảm hứng, xây dựng một hình ảnh tươi sáng, tiềm năng hơn cho nông nghiệp để thu hút được nhân sự trẻ cho tương lai.

"Chúng ta cần chứng minh với thế giới rằng, Việt Nam sẵn sàng để phát triển một nền lâm nghiệp có trách nhiệm, không chỉ theo đuổi mục tiêu kinh tế mà còn các yếu tố xã hội, môi trường và hòa nhập vào tư duy phát triển chung của thế giới" - người đứng đầu ngành Nông nghiệp nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu rõ: "Triển khai chiến lược và đề án, các đơn vị chức năng phải có tư duy mới, những ý tưởng và sáng kiến mới sẽ tạo ra được sự đột phá trong tăng trưởng. Nếu kế hoạch, chiến lược có tốt đến đâu mà không tập trung quan tâm, bổ sung vào đó những giá trị sáng tạo thì cũng không hiệu quả trong triển khai".

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam