Đại biểu Quốc hội kỳ vọng và tin tưởng với tân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

09:10 | 12/04/2021 Print
(TBTCV) - Với sự phê chuẩn của Quốc hội, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc được các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, tin tưởng sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ tới.

Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, trong quản lý, sử dụng tài chính công

Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, trong quản lý, sử dụng tài chính công đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Ngoài việc đặt kỳ vọng, các đại biểu cũng nói về những thách thức với tân Bộ trưởng khi trở thành “tư lệnh” của ngành Tài chính.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ: Quốc hội đã thực hiện công tác kiện toàn nhân sự rất chu đáo, đảm bảo dân chủ, đúng quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận rất cao. Các nhân sự mới được lựa chọn với đầy đủ phẩm chất, kinh nghiệm, đạo đức, năng lực và trí tuệ. Kỳ vọng tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ phát huy tốt những kết quả, kinh nghiệm đã có trong quá trình công tác, đặc biệt là trong nhiệm kỳ làm Tổng KTNN vừa qua để tiếp nối những thành công trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, là cán bộ được đào tạo chuyên ngành tài chính chính quy, bài bản, tân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có những thuận lợi khi tiếp quản vị trí đứng đầu ngành Tài chính. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có rất nhiều năm trưởng thành từ cơ sở, đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác liên quan đến việc quản lý trực tiếp về tài chính doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, quản lý nhà nước và xây dựng Đảng. Nhất là 5 năm qua, ở vị trí Tổng KTNN, đã lãnh đạo trực tiếp kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm về tài chính - ngân sách.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, thách thức với tân Bộ trưởng Tài chính cũng rất lớn. Nhiệm kỳ vừa qua, nước ta đã có nhiều thành công trong kiềm chế bội chi, nợ công, tăng tính bền vững cho ngân sách, song đại dịch Covid-19 đe dọa rất lớn đến thành quả này. Đặc biệt khi năm nay bắt đầu nhiệm kỳ mới, với những kế hoạch mới, trong đó có Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Thời gian tới cần nguồn lực rất lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, dự kiến lên đến hơn 2,7 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, thu ngân sách dự báo khó khăn, chính sách thu còn phải hoàn thiện. Làm thế nào để cân đối nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia? Đây là thách thức lớn, là bài toán khó chờ đợi tân Bộ trưởng Tài chính.

Đại biểu Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận định: Thời gian qua, ngành Tài chính đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân ngân sách, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế… và nhiều kết quả tích cực khác, từ đó tạo “đệm đỡ” cho nước ta ứng phó khi đại dịch xảy ra. Nhiệm vụ của lãnh đạo ngành Tài chính, quản lý túi tiền quốc gia lúc này là “chiếc ghế nóng”, không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân khố của các quốc gia khi nguồn thu giảm mạnh, chi tăng vọt. Đối với Việt Nam, thời điểm này hết sức quan trọng khi bước vào năm đầu của nhiệm kỳ mới, thực hiện các mục tiêu, chiến lược mới. Tuy nhiên, trong thách thức cũng luôn có cơ hội. Tin tưởng rằng, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính, với kiến thức chuyên môn bài bản, kinh nghiệm thực tiễn đa dạng, sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Yến Thắng

Yến Thắng

© Thời báo Tài chính Việt Nam