Thủ tục hành chính: Chi phí không chính thức là thách thức nghiêm trọng

14:51 | 17/03/2021 Print
Theo báo cáo APCI 2020 vừa được công bố sáng 17/3, mặc dù có những cải thiện đáng kể về điểm APCI trong năm 2020, song vẫn còn có nhiều cơ hội cải cách thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp có thể phát triển.

TT

Họp báo công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020.

Ứng dụng công nghệ thông tin là ưu tiên hàng đầu

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, khác với những chỉ số đánh giá hoạt động cải cách khác, APCI được thiết kế với kỳ vọng đo lường gánh nặng chi phí thực tế về tuân thủ TTHC và tính sáng tạo, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Thông tin từ khảo sát APCI xuất phát từ những “trải nghiệm thực tế” của các doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện các TTHC để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh.

Mặc dù có những cải thiện đáng kể về điểm APCI (bao gồm thời gian và chi phí tuân thủ) trong năm 2020, báo cáo 2020 cho thấy còn có nhiều cơ hội cải cách TTHC để giúp cho DN có thể phát triển trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch và đối mặt các vấn đề phát sinh từ đại dịch Covid-19 để nhận thấy các giá trị từ cải cách TTHC.

Trong đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho DN không còn là một ưu tiên cần cân nhắc, mà đã là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành.

Kết quả nghiên cứu APCI qua 3 năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy, những nhóm TTHC nào được các cơ quan nhà nước trong bộ máy hành chính duy trì được nhịp cải thiện liên tục bất kỳ yếu tố nào (thời gian, chi phí tuân thủ hay sự thuận tiện thông qua phương thức điện tử) đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hàng năm.

APCI 3 năm qua cũng cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể trong năm 2019 là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của DN cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Những yếu tố này sẽ tạo thuận lợi cho DN tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.

Chi phí không chính thức cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội

Trọng tâm cải cách thứ hai được khuyến nghị là tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho DN tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Bên cạnh các thông tin về chi phí tuân thủ TTHC, APCI 2019 và 2020 đã cung cấp thêm thông tin về chi phí không chính thức khi DN phải thực hiện TTHC.

Nghiên cứu cho thấy, chi phí không chính thức có ở tất cả các nhóm TTHC, các công đoạn khi thực hiện TTHC và ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các nhóm TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh như các nhóm TTHC về kiểm tra chuyên ngành, giao dịch thương mại qua biên giới, đất đai, xây dựng, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh.

Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà đang làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các DN nước ngoài muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam, hợp tác với DN Việt Nam. Chi phí không chính thức trong một số tình huống hoặc TTHC dù không lớn nhưng cũng tạo ra trở ngại khác, như thời gian, tính công bằng và rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

“Nếu để khoản chi phí này tồn tại và lan trên diện rộng thì sẽ “cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước” như Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ đã nhận định” - báo cáo APCI 2020 đánh giá.

Báo cáo APCI cũng phản ánh một nền hành chính phục vụ sẽ đem lại hiệu quả về cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, tạo nên môi trường kinh doanh công bằng và có tính cạnh tranh. So sánh điểm APCI 2019 và 2020 cho thấy không có sự tương quan giữa kết quả kinh tế và xã hội và chi phí tuân thủ TTHC thấp. Phân tích các chỉ số thành phần của những địa phương đứng đầu về số điểm APCI 2019 và 2020 cao cho thấy, thành công của các địa phương là nhờ các chỉ số về thời gian thực hiện TTHC, chi phí trực tiếp và tổng chi phí thấp.

Thực tế này đã phản ánh phần nào về thái độ, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ trong bộ máy hành chính nhà nước tại các địa phương này trong việc giải quyết TTHC cho DN. Như vậy, công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thay đổi quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, TTHC như quy định đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để áp dụng việc thực hiện TTHC của DN và xử lý TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử; sự chuyển đổi từ thái độ và trách nhiệm công vụ sang thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân của cơ quan và cán bộ nhà nước./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam