APCI 2020: Nhóm thuế đứng đầu về cải thiện thủ tục hành chính

12:25 | 17/03/2021 Print
Sáng 17/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).

tt

Các diễn giả tại cuộc họp báo. Ảnh: P.V

4/9 nhóm thủ tục hành chính được cải thiện

Theo kết quả được công bố, so sánh điểm APCI 2020 với điểm APCI 2019 cho thấy chỉ có 4 trong số 9 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) có cải thiện. Số liệu này phản ánh thực tế trải nghiệm của các DN đối với kết quả cải cách TTHC của Chính phủ và các địa phương trên toàn quốc nói chung để giảm chi phí tuân thủ trong thời gian qua.

Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm Thuế có được là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” liên tục được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp. Nhóm kiểm tra chuyên ngành sẽ có thể còn tiếp tục được duy trì nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục và kết nối với cơ quan hải quan.

Một số nhóm cải thiện chưa thực chất

Đứng thứ ba về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC môi trường, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm môi trường chưa phải thực chất. Trong 2 năm gần đây, phương thức quản lý môi trường đã có những đột phá, “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Phương thức này yêu cầu đối tượng chịu tác động (doanh nghiệp) phải đầu tư nhiều hơn để đảm bảo chất lượng của công tác đánh giá tác động môi trường, nhấn mạnh trách nhiệm của DN trong bảo vệ môi trường.

Đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện này không phải thực chất. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát DN cho thấy gánh nặng đối với DN không giảm đi mà còn tăng lên một cách đáng kể.

Các nhóm TTHC khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới là 5 nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù nhóm TTHC về đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019.

Chẳng hạn, ở nhóm TTHC đầu tư với các yêu cầu về thủ tục tưởng chừng như đơn giản nhưng khi thực hiện lại không hề dễ dàng. Khảo sát DN cho thấy sự phức tạp nằm ở các chủ trương, chính sách đầu tư không nhất quán, gây khó khăn cho DN trong việc tuân thủ và thực hiện TTHC liên quan. Trong năm 2019, để thực hiện TTHC trong nhóm đầu tư, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 36,1 giờ, chi phí trực tiếp là khoảng 1,8 triệu đồng cho việc sao chụp, công chứng giấy tờ.

td
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: PV

Dư địa cải cách còn rất lớn

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, kể từ khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà DN phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

"Cùng với những bài học vẫn còn nguyên giá trị từ APCI 2018, 2019, APCI 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và bổ sung những bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách", Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho biết.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh năm cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, APCI 2020 còn mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển DN thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam