Từ 1/3/2021, tổng điều tra kinh tế trên cả nước

20:18 | 28/02/2021 Print
Từ ngày 1/3/2021, Tổng cục Thống kê triển khai điều tra thu thập thông tin Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những tổng điều tra được triển khai 5 năm 1 lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành thống kê.

TT

Cơ sở quan trọng để biên soạn chỉ tiêu GDP

Theo Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020, tiếp diễn vào năm 2021 là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, triển khai tổng điều tra kinh tế năm 2021, tuy là việc diễn ra thường xuyên 5 năm 1 lần, nhưng lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thu thập thông tin đầy đủ để thấy rõ bức tranh kinh tế toàn diện của cả nước.

Kết quả thu được từ tổng điều tra là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương xây dựng, đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước, từng ngành và từng địa phương.

Cụ thể, dựa trên kết quả của tổng điều tra có thể đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD); mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.

Đối với Tổng cục Thống kê, kết quả tổng điều tra là một trong những cơ sở quan trọng biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê. Đồng thời, kết quả cũng nhằm để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; xây dựng dàn mẫu chủ về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.

Công bố kết quả vào tháng 1/2022

Tổng điều tra thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất các đơn vị điều tra thuộc các loại hình kinh tế, ngành kinh tế (trừ: hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; bảo đảm xã hội bắt buộc).

Đối tượng điều tra là đơn vị kinh tế chỉ đóng tại địa bàn một xã và chỉ thực hiện một loại hoạt động kinh tế thuộc ngành kinh tế cấp 3, gồm các loại sau: cơ sở sản xuất kinh doanh doanh nghiệp/hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ sở sự nghiệp, hiệp hội; tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Các cơ quan hành chính, Đảng đoàn thể; cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của hộ; cơ sở hoạt động thuộc lĩnh vực ngoại giao không thuộc đối tượng điều tra.

Nội dung điều tra tập trung vào các nhóm thông tin sau: thông tin nhận dạng đơn vị điều tra, thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; loại hình hoạt động; thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; thông tin về kết quả và chi phí SXKD; thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên sâu về đơn vị điều tra.

Thời gian thu thập thông tin đối với doanh nghiệp, hợp tác xã từ ngày 1/3/2021 đến hết ngày 30/5/2021; đối với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội từ ngày 1/3/2021 đến hết ngày 30/4/2021; đối với hộ sản xuất kinh doanh cá thể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/7/2021; đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/7/2021.

Kết quả sơ bộ dự kiến công bố vào tháng 12/2021, kết quả chính thức công bố vào tháng 1/2022.

Theo kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017, các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp của nước ta có xu hướng tăng chậm lại trong khu vực hành chính, sự nghiệp và tăng cao trong khu vực kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp.

Cụ thể, trong tổng số hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, khối doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại và thu hút hơn 14 triệu lao động. Kinh tế tập thể (hợp tác xã) có 13,6 nghìn đơn vị. Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (không bao gồm cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản) có 5,1 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động. Đơn vị hành chính, sự nghiệp phát triển theo hướng tăng nhanh khu vực sự nghiệp. Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có 42,7 nghìn cơ sở.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam