Nguồn mạch không ngừng tuôn chảy

17:50 | 03/02/2021 Print
(TBTCVN) - Mùa xuân năm 2021, Quốc hội Việt Nam trải qua chặng đường 75 năm phát triển. Từ Quốc dân đại hội Tân Trào đến sự ra đời của Quốc hội khóa I, đến nay, 14 nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc và luôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, tặng quà thương binh hạng 3/4

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, tặng quà thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Hơn tại thị trấn Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

75 năm, Quốc hội (QH) ngày càng có bước tiến dài hơn. Mọi quyết đáp của QH đều phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. QH Việt Nam trong thời chiến hay thời bình đều đã hoàn thành trọng trách trước quốc dân, đồng bào. Quốc dân bầu ra QH, giao nhiệm vụ cho QH và QH đã luôn thể hiện được trách nhiệm cao nhất trong hoàn thành trọng trách trước quốc dân, vì nhân dân chính là nguồn mạch chung đã tuôn chảy không ngừng nghỉ trong hoạt động của QH 14 nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, 14 khóa QH là quá trình liên tục, kế thừa và phát triển, không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Kinh nghiệm thực tiễn của QH khoá trước luôn là bài học quý cho việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động QH khóa sau.

Kế thừa truyền thống của 13 khóa QH, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, QH khóa XIV đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng đến ngoại giao nghị viện, đóng góp quan trọng vào những thành tựu lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần 35 năm đổi mới. Một mặt, chú trọng cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch - khâu đột phá của quá trình phát triển.

Nghị trường “tràn sóng” 4.0

Nhiệm kỳ 14 để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Có thể kể đến một trong số đó là bắt đầu năm 2019, “sóng” 4.0 “tràn” đến nghị trường khi lần đầu tiên, từ Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thay vì phải “ôm” cả chồng tài liệu dày cộp đến các phiên họp, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, các đại biểu Quốc hội được cung cấp đầy đủ thông tin phong phú, đa chiều, có thể tra cứu thuận tiện và nhanh chóng.

Cũng từ Kỳ họp thứ 7, việc xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau được thực hiện theo phương thức điện tử thay vì thực hiện bằng văn bản như trước đó và ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong các phiên chất vấn. Phần mềm trí tuệ nhân tạo xử lý lập tức tiếng nói, câu hỏi của đại biểu, câu trả lời của các thành viên Chính phủ sang văn bản một cách chính xác tuyệt đối. Với ứng dụng này, phần trả lời của các thành viên Chính phủ được chạy chữ trên mặt bàn của chủ tọa, giúp chủ tọa kiểm soát rất nhanh từng nội dung trả lời.

Năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức họp trực tuyến ở tất cả các cấp độ, từ các phiên họp, cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban đến các kỳ họp Quốc hội và các cuộc họp trong khuôn khổ các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế.

Mặt khác, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng, đi sâu vào nhiều vấn đề lớn, gai góc, bất cập, bao trùm các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước. Hoạt động ngoại giao nghị viện được đẩy mạnh, mang nhiều dấu ấn nổi bật, thể hiện rõ vai trò là thành viên chủ động, tích cực, là đối tác tin cậy và trách nhiệm của Việt Nam và QH Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.

Phương thức hoạt động của QH chuyển biến mạnh mẽ, từ QH “tham luận” sang QH “tranh luận”; tăng cường ứng dụng công nghệ - thông tin, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của QH.

Năm 2020, đất nước ta đã trải qua những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử, đại dịch Covid -19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đất nước đã thành công trong kiểm soát được đại dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế với tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao trên thế giới, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, vị thế đất nước ngày càng được nâng cao, thực hiện thành công 3 vai trò quan trọng Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA. QH đã tổ chức thành công 2 kỳ họp theo phương thức trực tuyến và tập trung, được cử tri và đại biểu QH đồng tình, đánh giá cao.

Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của đất nước nói chung và của QH nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi hoạt động của QH cần tiếp tục được đổi mới, cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu QH Khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đặc biệt gắn kết Quốc hội và Chính phủ

Nhiệm kỳ Quốc hội (Quốc hội) khóa XIV là một nhiệm kỳ đặc biệt gắn kết giữa Chính phủ và Quốc hội. Có rất nhiều ví dụ có thể kể đến về sự đặc biệt này. Trước khi diễn ra các kỳ họp cuối năm của QH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều cùng chủ trì hội nghị về công tác chuẩn bị cho kỳ họp.

Trước mỗi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thủ tướng Chính phủ đều có những chỉ đạo rất chi tiết từng thành viên Chính phủ chuẩn bị các tài liệu để báo cáo tại UBTVQH, với yêu cầu hàng đầu mà Thủ tướng nhấn mạnh là “nghiêm túc, trách nhiệm”. Thủ tướng yêu cầu phải lắng nghe và tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại UBTVQH.

Ngay khi kết thúc ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, chiều tối 22/5/2017, ghi nhận những băn khoăn từ đại biểu về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập gấp cuộc họp các thành viên Chính phủ. “Chúng ta họp để bàn thảo thật kỹ các kịch bản tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh, “phải nỗ lực chứng minh cho QH thấy Chính phủ lắng nghe, hành động và không nói suông, hứa suông”.

Về phía Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân luôn kịp thời có những động viên, chia sẻ cùng Chính phủ. Vào đầu tháng 3/2019, đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu làm việc với hàng loạt địa phương như Gia Lai, QH hội sát cánh cùng với Chính phủ nghiên cứu xem xét giải quyết thấu đáo, kịp thời khó khăn cho địa phương.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri Cần Thơ, Chủ tịch QH thường nói rõ cho cử tri về những nỗ lực của cá nhân Thủ tướng cũng như cả Chính phủ. Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020 trong bối cảnh cả nước dồn sức vừa chống dịch Covid-19 vừa phục hồi kinh tế, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định QH không tiến hành chất vấn Chính phủ.

Sự phối hợp rất “ăn ý” giữa lãnh đạo Chính phủ, QH còn được thể hiện qua chặng đường dốc toàn lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Trong thời điểm nước rút từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có những chuyến đi châu Âu nối tiếp nhau với lịch làm việc dầy đặc và hành trình vất vả hàng chục giờ bay xuyên ngày đêm, không quản ngại nhọc nhằn để mang về lợi ích chung cho cả nền kinh tế nước nhà. Ngày 8/6/2020, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam