“Thực sự đẹp hơn bao giờ”

10:10 | 22/01/2021 Print
(TBTCVN) - Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Điều đáng mừng hơn cả, tăng trưởng nay đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, biên giới, hải đảo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020, nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy: “Hôm nay, nhìn lại cả chặng đường đã đi, tôi vui mừng được chia sẻ rằng đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển; biên cương, bờ cõi được giữ vững, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên…”

Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Điều đáng mừng hơn cả, tăng trưởng nay đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, biên giới, hải đảo. Tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp nhà nước hay FDI. Vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước như tinh thần Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa 12).

Trong 5 năm qua, nền kinh tế đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD…

Sự chuyển động của bức tranh thu ngân sách cũng đặc biệt ngoạn mục. Kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường. Công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế tiếp tục được chú trọng gắn với đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế... góp phần bảo đảm tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tỉ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 81,6%, cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 (68%).

Các nhiệm vụ chi cơ bản được thực hiện theo đúng dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm. Trong đó, tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên mức 27 - 28%; giảm tỉ trọng chi thường xuyên từ mức 63 - 65% giai đoạn 2011 - 2015 xuống khoảng 62 - 63%; trong khi vẫn thực hiện tăng lương, lương hưu, trợ cấp người có công và các chính sách xã hội khác, ưu tiên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh. Bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2019 đạt 3,5% GDP, giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 (5,4% GDP), dự kiến năm 2020 bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,99% GDP.

Từ năm 2017, nhờ giảm bội chi ngân sách nhà nước, siết chặt quản lý vay và bảo lãnh chính phủ, nợ công bắt đầu giảm. Đến hết năm 2019, tỉ lệ nợ công ước khoảng 55% GDP, nợ chính phủ khoảng 48% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,1% GDP, nằm trong giới hạn cho phép tương ứng là không quá 65% GDP; 54% GDP và 50% GDP. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉ lệ nợ công dự kiến năm 2020 tăng lên khoảng 56,8% GDP nhưng vẫn góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Trần Đoàn

Trần Đoàn

© Thời báo Tài chính Việt Nam