Ngành Tài chính hoàn thành toàn diện các mục tiêu nhiệm kỳ

10:09 | 15/01/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020 dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành Tài chính đã gần cán đích thu ngân sách, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu về tài chính – ngân sách nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Nhờ bố trí đảm bảo nguồn vốn, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Nhờ bố trí đảm bảo nguồn vốn, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết như vậy khi trao đổi với PV TBTCVN.

*PV: Với kết quả thu ngân sách năm 2020 đạt 98% dự toán, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ (2016 - 2020) trong đó có các chỉ tiêu lớn về thu ngân sách, bội chi, nợ công… Ông đánh giá về kết quả này như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Sinh: Thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội trước đó. Trong đó, thu nội địa cơ bản đạt dự toán; thu từ dầu thô đạt xấp xỉ dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có giảm một chút, nhưng cũng đạt gần 94% dự toán. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2020 cực kỳ khó khăn. Như vậy, thu ngân sách vẫn gần đảm bảo hoàn thành dự toán được giao, khi tăng trưởng kinh tế đã giảm gần một nửa.

Ông Đỗ Văn Sinh

Ông Đỗ Văn Sinh

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu NSNN đã vượt kế hoạch đề ra, đạt 100,4% kế hoạch. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 85,5% năm 2020, cao hơn kế hoạch đề ra.

Tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP, thấp hơn so với giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt cao, ước trên 29% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN, giảm so với mục tiêu là dưới 64%.

Nhờ cơ cấu tốt được thu – chi ngân sách, bội chi NSNN bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đã thấp hơn mục tiêu đề ra, khoảng 3,6% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Nợ công cũng được đảm bảo, góp phần giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, thấp hơn mức trần cho phép. Đáng chú ý, nợ công đã được cơ cấu lại với lãi suất thấp hơn, thời hạn dài hơn và cơ cấu nhà đầu tư đã được đa dạng hóa, chúng ta đã có thể lựa chọn được nhà đầu tư. Các kết quả đạt được như trên đã cho thấy những cố gắng, nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính trong việc đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch của cả giai đoạn.

*PV: Thị trường tài chính trong giai đoạn vừa qua đã có bước phát triển vượt bậc, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Tài chính. Ông có nhận xét gì về điều này?

Ông Đỗ Văn Sinh: Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Nhiều thị trường chứng khoán đã giảm điểm mạnh, thậm chí nhiều thị trường phải đóng cửa tạm thời. Thị trường Việt Nam cũng ảnh hưởng, nhưng sau đó phục hồi bền vững và tăng trưởng ngoạn mục. Tôi đánh giá cao những giải pháp chủ động, linh hoạt và rất kịp thời của Bộ Tài chính đối với thị trường chứng khoán trong năm 2020, đặc biệt là việc miễn hoàn toàn, cắt, giảm hàng loạt loại phí, giá dịch vụ chứng khoán. Những giải pháp này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, kích thích dòng tiền tham gia thị trường.

Nhờ đó, chỉ số VN-Index đến cuối năm đạt trên 1.103 điểm, tăng 14,9% so với năm 2019; quy mô thị trường đạt khoảng 87,7% GDP, tăng 20,8% so cuối năm 2019. Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam lọt top các thị trường có sức chịu đựng tốt nhất và tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2020 đã tăng gấp đôi so năm 2016 (43,3% GDP).

Cùng với đó, thị trường bảo hiểm năm 2020 vẫn duy trì được sự tăng trưởng với tổng giá trị tài sản bảo hiểm ước tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 19%/năm; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 19,4%/năm; tổng doanh thu ngành bảo hiểm tăng bình quân 19,3%/năm...

Thị trường tài chính có bước tăng trưởng vượt bậc trong thời điểm khó khăn của năm 2020, cũng đánh dấu thành công trong điều hành của Bộ Tài chính, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

*PV: Giai đoạn 2021 - 2025 được cho là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cũng như cả cơ hội ở phía trước. Theo ông, ngành Tài chính cần làm gì để hoàn thành các mục tiêu về tài chính – ngân sách Quốc hội đã đề ra trong 5 năm, cũng như kế hoạch tài chính trung hạn 3 năm (2021 - 2023)?

Ông Đỗ Văn Sinh: Nếu nhìn trước mắt kế hoạch tài chính – NSNN trung hạn 3 năm (2021 - 2023), chúng ta đề ra mục tiêu phấn đấu thu ngân sách khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; đạt tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân khoảng 15,5% GDP. Bội chi NSNN bình quân khoảng 3,8% GDP. Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP.

Tôi cho rằng, những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2021 - 2023, trong khi vẫn phải bảo đảm lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh chuẩn trợ cấp xã hội, chuẩn nghèo...

Do đó, để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, cũng như trong 3 - 5 năm tới, tôi cho rằng, điều quan trong nhất đó là ngành Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách pháp luật tài chính, trong đó có chính sách thu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng. Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.

Quản lý thu tốt rồi, thì công tác quản lý chi ngân sách cũng quan trọng không kém. Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ các khoản chi ngay từ khâu lập dự toán, đến tổ chức thực hiện; thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước, kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu.

Thời gian tới, để kích cầu tăng trưởng, vẫn cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, cần rà soát các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn, có tính kết nối, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Việc xây dựng, phân bổ và giao kế hoạch vốn phù hợp với khả năng thực hiện của từng nguồn vốn, từng dự án cùng từng bộ, địa phương.

Ngoài các giải pháp nêu trên, một vấn đề khá quan trọng đó là phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN. Ngành Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn theo đúng quy định của pháp luật... để việc sử dụng ngân sách được chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

*PV: Xin cảm ơn ông!

“Kết quả của ngành Tài chính rất đáng khích lệ”

Những con số về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm qua đã minh chứng, ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước đề ra cho cả nhiệm kỳ. Phải nhìn nhận rằng, nếu như không có đại dịch Covid-19, mọi việc thuận lợi như các năm trước, thì việc đạt được các mục tiêu đã đặt ra sẽ không quá khó đối với ngành Tài chính. Tuy nhiên, áp lực phải đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2020 đối với ngành Tài chính là rất lớn khi dịch bệnh xảy ra, tăng trưởng kinh tế chậm lại kéo theo nguồn thu sụt giảm. Trong khi đó, lại phải đảm bảo nguồn lực lớn cho chi phòng, chống dịch bệnh, chi hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ.

Chính vì thế, tôi cho rằng, những kết quả đạt được trong năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ 5 năm qua của ngành Tài chính rất đáng khích lệ. Ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện trên các mặt công tác, đảm bảo thực hiện tốt chính sách tài khóa. Chính sách tài khóa đã kết hợp với các chính sách khác của Chính phủ, góp phần rất quan trọng để đảm bảo các cân đối lớn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Ông Đỗ Văn Sinh

Minh Anh (thực hiện)

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam