3 điều “không” của Thủ tướng

10:00 | 15/01/2021 Print
(TBTCVN) - Nhìn lại cả nhiệm kỳ 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thấy rằng, những con số thống kê, dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu kinh tế và những tiến bộ trong đời sống xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong khi, chỉ vài lát cắt nhỏ bé trong cuộc đời của một bộ phận người dân cũng có thể tạo ra những nốt trầm buồn.

Bởi vậy, mệnh lệnh “không bỏ ai lại phía sau trên chặng đường phát triển” mà Chính phủ đã phát đi từ đầu nhiệm kỳ đến nay luôn là một thách thức, đòi hỏi sự tận tâm, tỉ mỉ, kiên nhẫn trong thực thi mọi chính sách điều hành của Chính phủ. Ngay lúc này và ngay bây giờ, Thủ tướng có 3 điều “không”.

Khi mà đại dịch Covid-19 vẫn đang là cơn cuồng phong dữ dội tại nhiều quốc gia thì Việt Nam đã kiểm soát vững chắc, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế. Dù vậy, Thủ tướng thấy đó chưa thể là chiến thắng nếu Chính phủ chưa nỗ lực ở mức cao nhất để không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao vượt khả năng chi trả của người dân. “Không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao” là điều “không” thứ nhất.

Nhưng ngoài nỗi lo về vaccine Covid-19, còn rất nhiều điều cần phải chăm lo cho sức khỏe của người dân. Điều “không” thứ hai của Thủ tướng là “không chấp nhận chi phí y tế mù mờ”. Ông nhấn mạnh đến yêu cầu ngành Y tế phải có trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch về viện phí hơn nữa, phải kiểm soát tình trạng thương mại hóa quá mức, “tiền nào của nấy” về chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân. Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai y tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần làm để hệ thống y tế phục vụ nhân dân tốt hơn.

Về phía trách nhiệm của Chính phủ, Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, viện phí. Chính phủ sẽ đầu tư để có được một hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí phù hợp cho mọi người dân, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đến nay, sau nhiều nỗ lực, mạng lưới bảo hiểm y tế toàn dân đã bao phủ được lên gần 91% so với 75% cách đây hơn 4 năm; bảo hiểm xã hội cũng được mở rộng chiếm 30% lực lượng lao động, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015.

Chính phủ tiếp tục mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế lên 100% trong thời gian sớm nhất; đồng thời nỗ lực tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế dự phòng, đưa y tế đến gần người dân hơn ở khắp mọi miền đất nước với một chi phí thấp hơn. Người già phải được chăm sóc y tế tốt hơn; trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, tiếp đến là trẻ em dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em sẽ cần được Nhà nước chi trả bảo hiểm y tế hoàn toàn. Mỗi trẻ em là tài nguyên quý giá của dân tộc, do đó tất cả phải có trách nhiệm rất lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước, cần phải chung tay hành động một cách đầy trách nhiệm hơn nữa để phát triển trẻ thơ toàn diện, được an toàn, khỏe mạnh, được học tập và phát huy tối đa tiềm năng.

Ngay trong những ngày đầu năm mới, khi mà cả nước rầm rập khởi công các đại công trình, thì điều “không” thứ ba của người đứng đầu Chính phủ là “không được bỏ sót những dự án nhỏ”. Theo ông, trong khi theo đuổi các dự án lớn của quốc gia, cũng không bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn, miền núi, nơi tạo ra việc làm và thu nhập trực tiếp cho bà con. “Chúng ta không khỏi xót xa khi nhìn thấy trẻ em đến trường phải đu dây qua những dòng sông dữ ở nhiều tỉnh miền núi hay phải chèo xuồng đến trường ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” - Thủ tướng quả quyết, “các cháu phải có cầu qua sông để đi học, đó là mệnh lệnh của trái tim!”.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam