Không quá một bàn tay

21:21 | 15/11/2020 Print
(TBTCVN) - Nếu như ở nhiều nhiệm kỳ trước, tài chính ngân sách luôn như thỏi nam châm hút tới tấp chất vấn “nóng” thì giờ tình hình đã đảo chiều khi tại phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phiên chất vấn về việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại là Bộ trưởng nhận ít hơn cả các câu hỏi.

Với 122 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn tại phiên chất vấn này, số đại biểu Quốc hội chất vấn “tư lệnh” ngành Tài chính không quá một bàn tay và không có đại biểu nào phải chất vấn lại vì chưa hài lòng về câu trả lời. Các chất vấn dành cho Bộ trưởng Tài chính, cũng đều thể hiện một sự đồng cảm rất cao, thay vì truy vấn.

Không chỉ vậy, trong các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội còn giúp Bộ Tài chính trấn an cho những nỗi lo lắng của cử tri về sự căng thẳng của túi tiền quốc gia. “Có cử tri lo lắng, phải chăng chúng ta điều chỉnh quy mô kinh tế để có thể nâng cao một loạt tiêu chí như là bội chi ngân sách, nợ công và nợ nước ngoài?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), phát biểu: “Theo tôi, điều cốt tử của vấn đề ngân sách là tạo ra nguồn thu, kiểm soát thu chi, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ. Làm tốt những việc trên thì không sợ nâng trần”.

Mà trên thực tế, những việc trên đều đang được làm rất tốt theo phân tích của đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Vị đại biểu này khẳng định: “Những thành tựu kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là rất lớn, kể cả khi nó bị che mờ đi một phần bởi tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ. Trong những thành tựu đó thì thành tựu trên lĩnh vực tài chính, ngân sách là rất quan trọng, đó là cơ sở để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù còn một số hạn chế khó khăn nhất định trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, làm giảm thu, tăng chi ngân sách, một số cân đối tài chính không được đảm bảo, bội chi, nợ công gia tăng trở lại, dù vậy, tất cả vẫn nằm trong phạm vi an toàn Quốc hội cho phép. Bức tranh tài chính, ngân sách năm 2020 có kém hơn, nhưng nhìn tổng thể cả giai đoạn này thì có sự vững chắc hơn so với giai đoạn trước”.

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cùng quan điểm: “Thời gian qua, nền tài chính quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực, tiến bộ hơn giai đoạn trước cả về thể chế, chính sách, pháp luật và các mục tiêu thu chi, cơ cấu lại nợ”.

Chỉ cần nhắc đến một vài con số mà Bộ Tài chính đã làm được trong thời điểm khó khăn nhất của nhiệm kỳ, năm 2020 cũng có thể hiểu vì sao số lượng chất vấn lại “không quá một bàn tay” và các đại biểu Quốc hội lại có thể đồng cảm sâu sắc như vậy.

Đó là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính vẫn liên tục đề xuất Chính phủ tăng chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ thêm về an sinh xã hội. Đến nay, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 19.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống và hỗ trợ người dân do đại dịch Covid-19, chi khoảng 12.500 tỷ đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi; hỗ trợ 382 tỷ đồng cho 11 địa phương miền núi phía Bắc để khắc phục hậu quả thiên tai mưa đá, giông lốc, sạt lở đất, hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn; hỗ trợ 500 tỷ đồng cho 5 địa phương miền Trung, đồng thời có cơ chế hỗ trợ thiệt hại về nhà ở do tác động của thiên tai trong tháng 10/2020 cho người dân một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khoảng 1.000 tỷ đồng…

Cùng lúc, số tiền tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước từ việc cắt giảm tối thiểu 70% công tác phí trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí thường xuyên ngoài lương và các khoản tiết kiệm khác, đến lúc này được khoảng 17.400 tỷ đồng. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành 21 thông tư giảm, miễn các loại phí và lệ phí, góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước cho người dân, doanh nghiệp...

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam