Phối hợp hoàn thiện cơ chế quản lý về đấu thầu, đấu giá đất đai

11:31 | 10/11/2020 Print
Trong phiên chất vấn sáng 10/11, các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, xã hội hoá sân bay, đấu thầu đấu giá đất đai...

ĐTD

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Thất thu ngân sách do định giá đất chưa sát với giá thị trường

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng về trách nhiệm liên quan đến thất thoát, lãng phí thông qua đấu thầu đấu giá đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trước hết, trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thì thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, qua theo dõi thời gian vừa qua, vấn đề thất thoát, thất thu ngân sách nhà nước qua việc giao đất không qua đấu thầu, đấu giá đã xảy ra và chủ yếu là do định giá đất không sát với giá thị trường. Các địa phương giao cho nhà đầu tư khi đất chưa sạch và nhà đầu tư phải ứng tiền ra để đền bù, trong quá trình sau khi đền bù thì giá cả thay đổi rất lớn mà không được định giá lại.

Qua thanh tra, kiểm tra, đến nay còn rất nhiều trường hợp như vậy đang phải xử lý, trong đó có cả những trường hợp như sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch của các cơ sở do doanh nghiệp quản lý… cũng vẫn đang xảy ra.

"Những vấn đề này sẽ được tiếp tục xử lý trong thời gian tới. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như báo cáo với Chính phủ để hoàn thiện cơ chế quản lý, đặc biệt là về đấu thầu, đấu giá cũng như là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Sau nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) về giải pháp đột phá hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng cho biết, qua các tính toán, kế hoạch thì mục tiêu đến năm 2025, đồng bằng sông Cửu Long có ít nhất 300 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi và đã bố trí đủ vốn thực hiện. Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào 2025.

Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung vào 4 trục giao thông dọc, 4 trục ngang, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Xem xét việc cấp sổ đỏ cho cảng hàng không

Cũng tại phiên họp, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) về xã hội hóa các cảng hàng không, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định chủ trương này đang được thực hiện rất tốt. Các dịch vụ mặt đất từ bãi đỗ tàu bay, đến sửa chữa tàu bay, cung cấp xăng dầu, suất ăn đều do các doanh nghiệp tham gia theo quy định của pháp luật. Với tất cả dịch vụ này, các doanh nghiệp phù hợp đều có thể tham gia thực hiện trong khu vực sân bay.

Tuy nhiên, sau thực tế đầu tư đề xuất xã hội hóa nhà ga hàng không ở hai cảng hàng không Đà Nẵng và Cam Ranh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã nhận thấy một số vấn đề khiếm khuyết. Bộ Giao thông vận tải đang kiểm điểm nội bộ, thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, điều chỉnh một số nội dung, trong đó có nội dung quan trọng về cấp sổ đỏ cho các cảng hàng không.

"Vấn đề cấp sổ đỏ cho cảng hàng không lại liên quan đến quân sự vì tất cả cảng hàng không trước đây quân đội quản lý, sau đó chuyển dần qua dân sự" - Bộ trưởng giải thích.

Theo lãnh đạo ngành Giao thông vận tải, trên một sân bay gồm 3 loại đất: đất quốc phòng, đất chuyên dụng cho hàng không và đất dùng chung giữa quân đội và hàng không. Vì vậy, bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, xin kinh phí từ Bộ Tài chính và tập trung công tác kiểm đếm, đo đạc, lập sổ đỏ cho các sân bay, sau đó sẽ tiếp tục xem xét đề xuất của nhà đầu tư liên quan việc xây dựng nhà ga theo hướng xã hội hóa.

"Những sân bay mới như Vân Đồn, Lào Cai chúng tôi kêu gọi xã hội hóa toàn bộ, các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng toàn bộ sân bay từ đường băng đến nhà ga để đầu tư. Việc này không hạn chế và Chính phủ đang khuyến khích" - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời nội dung về đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành thuỷ sản. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa với ngư dân, góp phần nâng cao chất lượng thủy hải sản, cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho người dân và tránh trú khi có bão, thiên tai.

Đánh giá hạ tầng thủy sản hiện nay còn yếu và chưa đáp ứng được nhu cầu, Bộ trưởng cũng nêu nguyên nhân là do chúng ta phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ, các cảng cá chưa có đủ kinh phí để làm, tương tự như nhu cầu hạ tầng của nhiều ngành khác cũng rất lớn nhưng chưa có nguồn lực để đầu tư.

Thời gian tới, theo nguyên tắc, định mức phân bổ vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến 170 dự án với số vốn 4.370 tỷ đồng. Với các cảng cá, các địa phương sẽ tham gia xây dựng bằng phần vốn của mình. Còn ở các nơi tránh trú bão mang tính liên vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó xác định hai ưu tiên sắp tới của ngành nông nghiệp là vấn đề an ninh nguồn nước và các nơi tránh trú bão.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam