Mãnh lực của FDI

11:51 | 05/10/2020 Print
(TBTCVN) - Tại nhiều địa phương, khu vực doanh nghiệp FDI ra dáng “anh cả” trong thu ngân sách nhà nước khi đóng góp vào đây một nguồn lực khủng, thậm chí chiếm tới trên 93% tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương như trường hợp Vĩnh Phúc và 72% ở Bắc Ninh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Còn nhìn ở bức tranh tổng thể trong giai đoạn 2011 - 2019, khu vực FDI đóng góp khoảng 28% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm, một con số không hề “nhẹ”.

Cho đến nay, hầu như không địa phương nào từ chối được sức hút đầy mãnh lực của FDI bởi họ đặc biệt được hưởng lợi trong phát triển kinh tế nhờ khu vực FDI. Có thể ví dụ từ Vĩnh Phúc, năm 1997, khi bắt đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đứng gần áp chót (thứ 57) trong số 61 tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách chỉ 80 tỷ đồng/năm, còn thu nhập bình quân đầu người chỉ 2 triệu đồng/năm. 20 năm sau, với sự đổ bộ của hàng loạt nhà đầu tư lớn vào đây như Honda, Toyota, Piaggio… đến năm 2016, thu ngân sách của tỉnh đã đạt 33.000 tỷ đồng, tăng hơn 300 lần so với trước, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Còn từ khi Canon, Foxconn, Samsung… đầu tư vào Bắc Ninh, các ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp điện, điện tử, viễn thông đã tạo ra thương hiệu của Bắc Ninh trong quá trình hội nhập. Thái Nguyên trước đây chỉ được biết đến có sắt thép, chè với con số xuất khẩu chỉ ở mức trăm triệu USD, đến năm 2017, con số xuất khẩu lên tới 24 tỷ USD, đưa Thái Nguyên đứng top đầu trong các địa phương có xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam mà chủ yếu là nhờ khu vực FDI. Chỉ riêng xuất khẩu của Samsung đã chiếm tới 99% kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên…

Đương nhiên là sức hút FDI đầy mãnh lực, không chỉ ở cấp địa phương mà còn ở cả cấp quốc gia và không chỉ Việt Nam mà hầu khắp các nước đều háo hức với nguồn vốn này. Nó không chỉ là tiền bạc, mà còn làm thương hiệu về môi trường đầu tư, quốc gia nào càng thu hút được nhiều nguồn vốn FDI, càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam đang nổi lên là điểm đến đáng “đồng tiền bát gạo”. Hiện có 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư hơn 32.000 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 378 tỷ USD vào Việt Nam.

Sự đổ bộ của đại dịch Covid-19 khiến các dòng vốn đầu tư thế giới năm 2020 suy giảm khoảng 40%. Dòng FDI vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng mức suy giảm không bằng một nửa con số này. Tính đến ngày 20/9, tổng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Giữa bão táp đại dịch, Tập đoàn Pegatron vẫn công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam; Tập đoàn Milennium đang lên kế hoạch triển khai siêu dự án điện khí 15 tỷ USD tại Khánh Hòa…

Còn nhớ, vào năm 2017, lần đầu tiên, vốn FDI tại Việt Nam giải ngân đạt mức kỷ lục, 17,5 tỷ USD. Nhưng đây cũng là năm nổ ra các ý kiến gay gắt về khu vực FDI. Trước tình hình đó, Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về tầm quan trọng của FDI. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước Quốc hội trong Kỳ họp cuối năm 2017: “FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, cho giải quyết lao động, cho chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển trong nước”. Ông cũng cho hay: “Đây là vấn đề tôi rất tâm huyết. Rất nhiều tấm gương của FDI đã phát triển ở Việt Nam. Chúng ta không nói một chiều rằng FDI là không hay. Chính FDI đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam và luật pháp Việt Nam coi FDI là một thành phần kinh tế Việt Nam”.

Tháng 8/2019, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành riêng một nghị quyết dành cho khu vực FDI, như là phần thưởng xứng đáng dành cho những đóng góp của FDI với nền kinh tế.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam