Phải thực hiện đúng thẩm quyền mua sắm, cho thuê tài sản công

10:14 | 18/05/2018 Print
(TBTCVN) - Tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính tổ chức chiều 17/5.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Minh Anh

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản lưu ý các bộ, ngành, địa phương về việc mua sắm, cho thuê tài sản công phải thực hiện theo đúng thẩm quyền khi chưa ban hành văn bản hướng dẫn.

Chậm trễ ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng

Về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong gần 5 tháng qua (từ 1/1/2018), ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, để hướng dẫn thi hành luật, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 12 văn bản (11 nghị định của Chính phủ và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành 3 thông tư hướng dẫn. Hiện còn 3 nghị định hướng dẫn luật đang được Chính phủ xem xét, ban hành.

Liên quan đến việc xây dựng các quy định về phân cấp và tiêu chuẩn định mức, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã dự thảo lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Hiện có 2 đơn vị là Bộ Tài chính và HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành quy định. Còn hướng dẫn về tiêu chuẩn định mức, sử dụng đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành hướng dẫn cho một số đơn vị.

Nói về sự chậm trễ tại một số địa phương khi chưa kịp thời ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng, ông Thịnh cho biết có nguyên nhân khách quan là tại địa phương, kỳ họp HĐND thường diễn ra sau kỳ họp của Quốc hội, nên các địa phương đang tích cực triển khai các bước có liên quan để sớm ban hành trong thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý công sản cũng cho biết, có những trường hợp “chưa kịp thời” ban hành, nhất là các bộ chuyên ngành được giao hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng, khiến các địa phương khó triển khai thực hiện.

Có thể nói, đây là lời nhắc nhở khá nhẹ nhàng của đại diện Cục Quản lý công sản, bởi Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản đốc thúc các bộ có liên quan phải nhanh chóng ban hành để triển khai thực hiện, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được ban hành. Theo quy định, đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng chia thành 2 nhóm, gồm: Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo; máy móc, thiết bị chuyên dùng khác. Đối với máy móc, thiết bị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực của mình. Trên cơ sở đó, bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Trường hợp Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định chi tiết hướng dẫn theo quy định, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh trước khi ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng, phải gửi văn bản lấy ý kiến của hai bộ này.

Phải thành lập hội đồng thẩm định giá xác định tài sản biếu, tặng

Liên quan đến việc cho, nhận tài sản biếu tặng, nhất là vừa qua có việc một số cơ quan, đơn vị nhận xe sang của doanh nghiệp biếu, tặng, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành địa phương theo hướng không tiếp nhận các loại tài sản này, đặc biệt là các loại tài sản có giá trị cao như xe ô tô. "Tuy nhiên, theo quy định thì đối với các loại quà tặng là tài sản xác lập quyền sử dụng toàn dân nói chung và các loại tài sản biếu tặng nói riêng thì trước khi trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao cho một đơn vị nào đó sử dụng, bắt buộc phải thành lập hội đồng thẩm định giá để xác định giá trị của tài sản đó sát với giá thị trường", ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết.

Về quy định thanh lý, cho thuê, bán tài sản công, theo ông Nguyễn Tân Thịnh, ở khối các bộ, ngành chỉ thủ trưởng các đơn vị mới được quyết định. Còn ở địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định việc này. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương. “Tuy nhiên, nếu không nắm được thì khi quyết định mua sắm, cho thuê tài sản công sẽ không đúng thẩm quyền”, ông Nguyễn Tân Thịnh nói.

Trả lời báo chí về số tiền liên quan đến đất thu được trong năm 2016, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, số tiền sử dụng đất thu được xấp xỉ 127 nghìn tỷ đồng; tiền thuê đất thu được khoảng 27 nghìn tỷ đồng. “Xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm và tăng với tỷ trọng cao, dần dần điều chỉnh thị trường liên quan đến giao đất và cho thuê đất”, ông Nguyễn Tân Thịnh chia sẻ.

Để tiếp tục triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, Bộ Tài chính đề nghị một số bộ như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động- Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích cơ sở hoạt động sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP và Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg. Trên cơ sở căn cứ quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phân cấp của bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của bộ, ngành, địa phương mình.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam