Câu chuyện giải cứu thịt lợn làm “nóng" nghị trường

15:38 | 13/06/2017 Print
Vì sao nông dân nuôi lợn mà không bán được? Tại sao giá lợn hơi thấp, nhưng giá thịt lợn vẫn cao? Sau thịt lợn sẽ giải cứu sản phẩm gì?...Đó là hàng loạt thắc mắc về câu chuyện “giải cứu thịt lợn” được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường.

Sau thịt lợn liệu còn sản phẩm nào phải giải cứu?

Là Bộ trưởng đầu tiên trong số 5 thành viên Chính phủ lên “ghế nóng” trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội sáng nay (13/6), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trả lời và giải trình hàng loạt các câu hỏi của các ĐB liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt là câu chuyện "giải cứu thịt lợn".

Theo ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), cử tri rất quan tâm đến vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" đã tồn tại quá nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. “Vậy, Bộ trưởng sẽ đề xuất giải pháp cơ bản gì để giải quyết bài toán về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản Việt Nam hiện nay?”, ĐB đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đặt vấn đề, theo quy hoạch, tổng đàn lợn đến năm 2015 là trên 32 triệu con và đến năm 2020 là trên 34 triệu con. Nhưng theo số liệu thống kê hàng năm, tính tới 1/10/2015, tổng đàn lợn mới đạt chưa tới 28 triệu con, tháng 10/2016 tổng đàn lợn mới đạt gần 30 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà đã dư thừa và giá thì giảm sút thảm hại, người chăn nuôi thua lỗ nặng, lúng túng trong giải pháp giải cứu. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm?

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) cho ý kiến, đến thời điểm này ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Bộ đã có những giải pháp khá tích cực như tuyên truyền, huy động các lực lượng xã hội tham gia giải cứu lượng lợn dư thừa, đề nghị các địa phương dừng cấp mới các dự án chăn nuôi lợn tránh phá vỡ quy hoạch. “Vậy Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết hiệu quả vấn đề này như thế nào?”, ĐB đặt câu hỏi.

Chưa dừng ở đó, ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) còn thẳng thắn đặt câu hỏi: “Trong tầm nhìn của Bộ trưởng, thì dự báo trong thời gian tới, từ kỳ họp này cho tới kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào khoảng cuối năm 2018, có thể còn xảy ra trường hợp nào phải kêu gọi cơ quan, tổ chức, người dân tham gia giải cứu như đã từng làm đối với các sản phẩm nông nghiệp như: Hành tím, dưa hấu, thịt lợn như vừa rồi hay không? Nếu có thì tên gọi của mặt hàng nông sản đó là gì, để người dân biết mà chuẩn bị và đâu là giải pháp căn cơ nhất để không tái diễn các trường hợp tương tự như vậy?”.

Tổ chức thị trường và chế biến là 2 khâu yếu

Trả lời câu hỏi của các đại biểu đưa ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sức sản xuất Việt Nam hiện nay rất lớn, khối lượng nông sản phẩm làm ra không chỉ đủ cho 92 triệu dân mà còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, tổ chức thị trường và khâu chế biến đang là 2 khâu yếu nhất.

Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 13/6.

Theo Bộ trưởng, để hội nhập được với thị trường thế giới, “đang từ bán ở chợ nhà, đang làm để ăn”, muốn hội nhập thế giới thì tiêu chuẩn, quy chuẩn, giá thành, các yêu cầu khắt khe nên cần phải tổ chức lại các khâu cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Vì thế, muốn làm được điều này, từng ngành hàng cần có thời gian, có công tác tổ chức, chế biến, đầu tư, quản lý, nhưng chắc chắn trong một thời gian ngắn nữa không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này, nơi kia thiếu cái kia.

Chia sẻ về câu chuyện thừa thịt lợn, “tư lệnh” ngành nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Nguyên nhân thứ nhất là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Trong hơn 10 năm qua, riêng thịt lợn nói chung đã tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn.

Riêng về con lợn có một đặc thù nữa, bên cạnh sự tăng bột phát, thì rổ thực phẩm Việt Nam đã thay đổi cơ cấu. Trước kia trong bữa cỗ, bữa cơm 70-75% là thịt lợn, thì bây giờ nhiều sản phẩm để lựa chọn như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò,... làm cho dư thừa tạm thời và mất cân đối, sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều.

Bộ trưởng Cường thẳng thắn thừa nhận, tổ chức ngành hàng hiện nay chưa tốt, thể hiện ở 3 điểm. Một là, cho đến nay, vẫn còn tới 3 triệu hộ và 446 trang trại chăn nuôi. “Chúng ta vẫn phải duy trì vì nông dân không chăn nuôi thì sẽ làm gì, đây chính là tồn tại. Làm sao thời gian tới chúng ta phải co lại loại hình này, vì nếu quy mô nhỏ thì sản xuất giá thành cao, khó kiểm soát”, Bộ trưởng nói.

Hai là, chế biến cách xa với sản xuất, cho đến giờ phút này khâu liên kết trong sản xuất thịt lợn chỉ được 20% ở khâu nuôi còn khâu chế biến rất kém, có thể nói là kém nhất trong các ngành hàng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cho hay, hiện nay, chỉ có 4-5 doanh nghiệp có chế biến, nhưng chế biến sâu từ giống, chăn nuôi, giết mổ, phân phối, thì “đếm trên đầu ngón tay” làm cho khâu tiêu thụ hiện nay vẫn trên 90% theo kiểu truyền thống.

Ba là, về tổ chức thị trường thực phẩm Việt Nam nói chung, đặc biệt là thị trường lợn nói riêng là khâu yếu nhất trong ngành hàng hiện nay.

“Tóm lại là 3 khâu (sản xuất; chế biến; mở cửa, tổ chức thị trường), chúng ta mới làm được khâu đầu, còn 2 khâu sau rất yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Qua giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chưa thấy thỏa đáng và cho rằng: “Xuyên suốt các câu trả lời liên quan đến việc quy hoạch giải cứu đàn lợn, tôi thấy vắng bóng vai trò quản lý nhà nước ở đây. Chúng ta cho rằng, người sản xuất tự phát, tôi nghĩ cách trả lời thế này chưa thấy được vai trò của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”.

“Chúng ta có khẩu hiệu "Người tiêu dùng thông minh", bây giờ Bộ trưởng nói "Nhà sản xuất phải thông minh để không tự phát", trong khi cử tri nói rằng: nhà quản lý phải thông minh. Như vậy, nếu trả lời thế này cử tri hoàn toàn sẽ không hài lòng về cách xử lý ...", ĐB Hồng lo lắng./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam