Tái cơ cấu nền kinh tế: Tránh bài học đầu tư dàn trải

09:40 | 21/10/2016 Print
(TBTCVN) - Điểm nhấn quan trọng của đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới là tập trung vào phân bổ nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó tránh bài học đầu tư dàn trải trước đây, dẫn đến đầu tư công rất lớn, nợ công thì tăng nhưng kinh tế lại tăng trưởng không cao.

11

Hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ NSNN để thực hiện tái cơ cấu.

Đây là đánh giá của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), về nội dung tái cơ cấu nền kinh tế được trình bày trước Quốc hội trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

* PV: Sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Xin ông cho biết, đâu là điều tâm đắc nhất của ông với các nội dung báo cáo này?

- ĐB Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, báo cáo đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém trong điều hành kinh tế của chúng ta. Chính phủ mới đã quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, minh bạch, thực sự là hỗ trợ cho thị trường, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng ta đã triển khai quyết liệt Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp…; đã nỗ lực để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như giữ nợ công dưới mức trần 65% GDP, dù kinh tế gặp nhiều biến động bất lợi.

* PV: Trong ngày khai mạc, Chính phủ cũng trình ra trước Quốc hội báo cáo về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó một trong các trọng tâm là tái cơ cấu khu vực công, bao gồm tái cơ cấu NSNN và đầu tư công. Ông đánh giá thế nào về nội dung này?

- ĐB Trần Hoàng Ngân: Báo cáo của Chính phủ hôm nay nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm với 10 nhiệm vụ cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, tôi rất quan tâm đến một số nội dung được đề cập trong đề án. Đó là, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, chúng ta còn có tái cơ cấu NSNN. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải nhìn thẳng, vì nợ công đang tăng nhanh, trong đó cơ cấu chi NSNN cần được quan tâm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tiền thuế của dân sao cho hiệu quả và tiết kiệm.

ngan
ĐB Trần Hoàng Ngân

Đề án này cũng đề cập sâu về phân bổ nguồn lực, nâng cao , hiệu quả sử dụng nguồn vốn, điều mà tôi cho rằng rất quan trọng. Bởi khi chúng ta phân bổ nguồn lực tập trung vào các địa phương, các lĩnh vực có tiềm năng, thì hiệu quả sẽ tăng cao, tránh bài học đầu tư dàn đều như trước đây chúng ta vấp phải, từ đó dẫn đến đầu tư công rất lớn, nợ công thì tăng nhưng kinh tế lại tăng trưởng chậm. Đó là điều mà tôi rất tâm đắc.

* PV: Vậy, ông đánh giá ra sao về các nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra để thực hiện tái cơ cấu?

- ĐB Trần Hoàng Ngân: Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có nhiệm vụ cụ thể của từng ban ngành, từng địa phương để triển khai giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Trong các giải pháp lần này, có tới 3 kịch bản, với sự lường trước những khó khăn, thách thức. Nền kinh tế của ta đang hội nhập sâu rộng nên dễ bị tác động bởi biến động của kinh tế thế giới, vì vậy việc đưa ra 3 kịch bản là rất cần thiết.

Trong đề án cũng đề cập đến các đòn bẩy, giải pháp về huy động vốn, kể cả về NSNN chịu những tác động gì, khi thực hiện các giải pháp đó thì tác động đến ngân sách, kinh tế ra sao. Tuy nhiên, có một vấn đề tôi chia sẻ với Chính phủ là chúng ta phải đánh giá quá trình tái cơ cấu thời gian qua để có thêm bài học kinh nghiệm. Như với việc xử lý nợ xấu vừa qua, khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng, chúng ta đã thành lập VAMC để xử lý nợ. Việc chuyển nợ xấu sang VAMC là hợp lý ở thời điểm đó. Nhưng đến nay, sự thật là việc chuyển nợ xấu sang VAMC chỉ là giải pháp tạm thời, mà nay cần có giải pháp thực chất. Giải pháp tạm thời lúc đó đã mang lại hiệu quả, giúp khơi thông tín dụng, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm, tuy nhiên nợ xấu của nền kinh tế vẫn còn đó, nằm ở VAMC. Đã đến lúc phải giải quyết thực sự thì mới đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo báo cáo của Chính phủ, do khả năng huy động nguồn lực bổ sung là rất hạn chế, việc thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu được quán triệt theo quan điểm các nhiệm vụ ưu tiên của kế hoạch tập trung vào nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Do vậy, hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ NSNN để thực hiện tái cơ cấu.

* PV: Theo ông, nên xử lý nợ xấu ra sao cho hiệu quả? Nên dùng cơ chế, chính sách hay “tiền tươi, thóc thật” để xử lý như một số ý kiến gần đây?

- ĐB Trần Hoàng Ngân: Những năm 2012, nợ xấu lên rất cao, 8 - 9 % dư nợ. Khi đó, chúng ta đã chọn giải pháp chuyển sang VAMC để tạm thời quản lý. Như tôi đã nói, nợ đó vẫn là của nền kinh tế, mà VAMC tạm giữ hộ cho ngân hàng. Ngân hàng xử lý dần bằng trích dự phòng, nhưng họ trích bao nhiêu chúng ta chưa được biết. Như vậy, cần có báo cáo cụ thể để xem mỗi năm ngân hàng có trích nổi 20% dự phòng cho nợ xấu ở VAMC hay không? Có số liệu đó, chúng ta mới nhìn nhận được bản chất của việc xử lý nợ xấu.

Còn hiện tại, ngân hàng cũng rất quyết tâm xử lý, nhưng xử lý nợ xấu giờ không chỉ nằm trong tay của ngân hàng mà nó đòi hỏi có cơ chế, pháp lý để xử lý những tài sản nợ xấu. Bởi nếu xử lý theo trình tự thông thường thì xử lý rất chậm, nên cần có cơ chế liên bộ, có Nghị quyết để giúp ngân hàng thương mại được bỏ bớt trình tự trong phát mại, xử lý tài sản, có như vậy mới giải quyết nhanh được nợ xấu. Còn tôi cho rằng, chúng ta không thể nào dùng ngân sách bù vào nợ xấu, thay vào đó, nên tạo cơ chế, hỗ trợ nguồn lực về con người, về bộ máy…

* PV: Xin cảm ơn ông!

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam