Kế hoạch trả nợ năm 2016 là 273.300 tỷ đồng

14:52 | 08/06/2016 Print
Năm 2016, Chính phủ vay 452.000 tỷ đồng (bao gồm: vay để bù đắp bội chi là 254.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỷ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43.000 tỷ đồng; vay đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng); kế hoạch trả nợ năm 2016 là 273.300 tỷ đồng.

Đây là nội dung của Kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, ban hành kèm theo Quyết định 1011/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2016.

Theo quyết định, nguồn huy động vốn gồm: Vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và SCIC là 336.000 tỷ đồng.

Vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA, ưu đãi 4.700 triệu USD (tương đương 99.000 tỷ đồng, trong đó 43.000 tỷ đồng cho vay lại và 56.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế để linh hoạt thực hiện huy động 17.000 tỷ đồng thông qua các hình thức khác như: phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế,...

Trường hợp cần thiết phát hành trái phiếu quốc tế hoặc trái phiếu Samurai, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị quyết số 99/2015/NQ13 của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2016 là 273.300 tỷ đồng. Trong đó: Trả nợ trực tiếp của Chính phủ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 là 154.000 tỷ đồng (bằng 15,2% dự toán thu NSNN năm 2016); trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại khoảng 24.000 tỷ đồng; đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ đảm bảo theo đúng kế hoạch được giao. Đồng thời, rà soát, đánh giá toàn bộ các chương trình, dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ nhưng chưa cấp, nhu cầu vốn vay của các dự án cấp bách, trọng điểm được ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016- 2020 để lập Đề án xây dựng danh mục các dự án được ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016- 2020, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Cùng với đó, tổ chức đánh giá công tác quản lý nợ chính quyền địa phương trong thời gian qua để xây dựng Đề án tăng cường hiệu quả đối với công tác quản lý nợ địa phương; nghiên cứu, trình Chính phủ phương án phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội./.

Chỉ tiết quyết định xem tại đây.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam