Bàn giải pháp đưa Nghị quyết 19 vào cuộc sống

14:04 | 18/05/2016 Print
Nghị quyết 19 kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong việc rà soát đánh giá để hợp tác hiệu quả hơn với cơ quan nhà nước để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

nghị quyết 19

Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 NQ-CP: Ảnh: Chinhphu.vn

Sáng 18/5, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cùng với dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (GIG) tổ chức triển khai Nghị quyết 19/2016/NQ-CP mới được ban hành với các bộ, ngành, địa phương để cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015, giới thiệu các nội dung cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp, cách thức và kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết đối với các bộ, địa phương.

Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp đã chia sẻ, kiến nghị giải quyết những vướng mắc, khó khăn liên quan tới chính sách và thủ tục hành chính trên các lĩnh vực của môi trường kinh doanh: Thuế, phí; điều kiện kinh doanh; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đăng ký sở hữu tài sản; hải quan và quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu; tiếp cận điện năng; tiếp cận tín dụng; thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng; thủ tục phá sản.

Theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, đã 3 lần Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, qua 3 năm chúng ta thu được nhiều kinh nghiệm. Nhìn chung các bộ, ngành chưa tích cực, ngoại trừ Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Thuế); do vậy phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm…

Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt đổi mới (thể hiện rõ nét qua Nghị quyết 35), xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ông Cung kỳ vọng tinh thần đó sẽ được “thấm xuống các bộ ngành, địa phương”.

Ông Cung mong muốn, các cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia tích cực, nay hãy tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong việc phản ánh, góp ý, giám sát… để cơ quan Nhà nước thực hiện Nghị quyết 19 với hiệu quả cao nhất.

Nhiều mục tiêu tham vọng

Ông Michel, Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, trong năm 2015 Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết 19 năm 2015 và được WB ghi nhận. Kế thừa những kết quả đã đạt được, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 19 năm 2016.

Theo ông, Nghị quyết 19 năm 2016 của Chính phủ Việt Nam đã đề ra những mục tiêu tham vọng hơn trong thực hiện cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam (đạt mức trung bình của ASEAN-4 vào năm 2017; ASEAN-3 vào năm 2020); đồng thời bổ sung tiêu chí, chỉ tiêu mới theo chuẩn mực quốc tế; tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; kêu gọi các DN tham gia tích cực hơn trong việc rà soát, đánh giá các chính sách, thường xuyên trao đổi với cơ quan Nhà nước về những vướng mắc để cùng tháo gỡ…

Đại diện USAID hy vọng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của các bên liên quan, những mục tiêu cải cách được nêu trong Nghị quyết 19 sẽ được hiện thực hóa.

USAID mong tiếp tục được hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam để cùng thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.

Đưa Nghị quyết 19 vào cuộc sống

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chia sẻ về những thách thức Bộ Tài chính phải xử lý trong thực hiện một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực thuế, hải quan nêu trong Nghị quyết 19 năm 2016.

Ông Tuấn cho biết, để thực hiện được mục tiêu về cải cách chỉ số thông quan nêu trong Nghị quyết mới, không chỉ có trách nhiệm của Bộ Tài chính, mà còn có trách nhiệm của 13 bộ, ngành có liên quan, trong đó có những vướng mắc trong các quy định của luật hiện hành...

Đại diện Bộ Tài chính đề xuất một số nội dung liên quan đến chỉnh sửa luật; phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện một số mục tiêu chung; kiện toàn tổ chức hải quan cửa khẩu; rà soát, làm rõ các loại hàng hóa bắt buộc phải kiểm tra ở cửa khẩu... để cải thiện chỉ số thông quan qua biên giới, giảm chi phí cho DN.

Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM cho biết, dù đã có nhiều cố gắng, song TPHCM vẫn chưa tạo ra được đột phá trong cải cách môi trường kinh doanh. Trong thời gian tới Thành phố xác định phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện Nghị quyết 19 năm 2016. Theo đó, sẽ phân công cụ thể nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện để cải thiện các chỉ số về tính minh bạch, gia nhập thị trường, tính năng động của lãnh đạo, tiếp cận đất đai...

Bên cạnh đó, ông Minh cũng nhấn mạnh giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước; xã hội hóa các dịch vụ công... đồng thời đề nghị các bộ, ngành phối hợp với địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp mà địa phương đề xuất… nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất.

Về phía Bộ NNPTNT, đại diện Bộ này cho rằng trọng tâm của Nghị quyết 19 là cải cách hành chính, đây là vấn đề liên quan đến con người, do vậy nếu người đứng đầu không quan tâm và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện thì khó có kết quả thiết thực.

Với sự quyết liệt của Bộ trưởng Cao Đức Phát, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã rà soát, đơn giản hóa, hủy bỏ, sửa đổi hàng trăm thủ tục hành chính trong lĩnh vực: Thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt, phân bón, chăn nuôi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết tất cả các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương; thực hiện đúng kế hoạch 9 thủ tục hải quan một cửa...

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 19 của Bộ NN&PTNT vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho DN sản xuất, kinh doanh.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, những cải cách thủ tục về thuế, hải quan, vận tải (phí, phụ phí tàu biển), quản lý lao động... của các cơ quan quản lý nhà nước đã tác động khá tích cực đối với ngành dệt may.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, ông Cẩm cho rằng thời gian quan vẫn có nhiều quy định bất cập, gây khó khăn cho DN như: Quy định tăng lương tối thiểu cao hơn mức tăng năng suất lao động; đóng BHXH gắn liền với lương tối thiểu; quản lý công đoàn phí... Bên cạnh đó, ông Cẩm cũng kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra hàm lượng formaldehyt); điều kiện nhập khẩu máy in...

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, Nghị quyết 19 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, tuy nhiên việc thực hiện Nghị quyết này tại cơ sở còn nhiều hạn chế.

Ông Nam cũng nêu một số kiến nghị đối Bộ NN&PTNT (về Thông tư 48/2013 kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu), Bộ Y tế (Nghị định 38/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP), Bộ GTVT (thu phí giao thông), Bộ Công Thương (chính sách biên mậu)... điều chỉnh một số quy định.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhắc lại quan điểm Chính phủ coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế; Chính phủ cam kết bảo vệ môi trường an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh.

Ông Hà cho biết, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; việc giám sát thực hiện Nghị quyết 19 của các bộ, ngành, địa phương sẽ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; các kiến nghị của DN sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh./.

Theo Chinhphu.vn

Theo Chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam