Nhân sự nhiệm kỳ mới: Không nhất thiết ngành nào cũng có Ủy viên Trung ương

20:32 | 29/01/2016 Print
Tại phiên họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều 29/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời về vấn đề được nhiều phóng viên quan tâm là công tác nhân sự của Chính phủ chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2016 – 2020.

TT

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ ngày 29/1. Ảnh: Chinhphu.vn

Sẽ tính toán, bố trí nhân sự hợp lý

Tại Đại hội Đảng khóa XII vừa qua, nhiều thành viên của Chính phủ đã được bầu, tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương khoá mới. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp không tái cử, không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Một số phóng viên đã nêu câu hỏi về phương án nhân sự cho các bộ, ngành không có thành viên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khoá mới. Đồng thời, Chính phủ đã chuẩn bị như thế nào cho công tác chuyển giao nhân sự sắp tới?

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết: Với thể chế chính trị của nước ta, công tác nhân sự là công tác của Đảng. Thời gian qua Đảng đã chỉ đạo thực hiện bài bản, chặt chẽ theo quy định đối với cấp ủy các cấp.

Theo đó, thực hiện quy hoạch mở và rộng, mỗi chức danh đều có 1, 2 hoặc nhiều hơn số người chuẩn bị kế thừa. Một người, một cán bộ có thể quy hoạch một vài chức danh, để khi cần thiết Đảng điều động. Khi quy hoạch như vậy, công tác nhân sự rất hạn chế gặp trường hợp bị động.

Trong kỳ Đại hội vừa qua, có một số trường hợp dự kiến không trúng cử là chuyện bình thường, trong dự kiến đã có số dư, đã lường trước trường hợp trúng, không trúng.

Hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho biết: "Hệ thống chính trị nước ta có nhiều đầu mối, mà Ủy viên Trung ương thì có hạn, nên trong đề án công tác nhân sự và quan điểm của Đảng là không nhất thiết ngành nào cũng bố trí Ủy viên Trung ương”.

Các địa phương cố gắng tối đa để có người đứng đầu là Ủy viên Trung ương, nơi nào chưa bố trí được, Trung ương sẽ xem xét hợp lý yêu cầu cần và đủ để điều động, đảm bảo có sự lãnh đạo xuyên suốt.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, việc sau Đại hội còn lại nhiều ngành không bố trí Ủy viên Trung ương là bình thường. Khi bố trí nhân sự, cấp ủy luôn cân nhắc kỹ để đảm bảo sự lãnh đạo, cả về quản lý và chuyên môn. Hiện nay, Đại hội vừa kết thúc, công tác nhân sự sẽ được cấp có thẩm quyền tính toán, xem xét, bố trí hợp lý trong thời gian tới.

Không lơ là trách nhiệm cho đến phút bàn giao

Chia sẻ thêm, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, trong phiên họp thường kỳ ngày 29/1, Thủ tướng đã chúc mừng các đồng chí thành viên tái cử, một số đồng chí được tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư… dặn dò các đồng chí phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa. Thủ tướng cũng dặn 14 thành viên Chính phủ không tái cử đợt này tiếp tục tập trung với nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao nhất... để hoàn thành công việc đang đảm nhiệm cho đến lúc có người kế nhiệm để bàn giao.

“Về quan điểm, các thành viên không được lơ là trách nhiệm cho đến phút bàn giao cho người kế nhiệm. Có thể có nơi bàn giao sớm, có nơi chậm, tùy theo nơi nào chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu. Tuy nhiên, trách nhiệm sẽ là xuyên suốt, sẽ không có khoảng trống về trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam