Tránh giải ngân quá nhanh các dự án đầu tư công trong năm 2016 – 2017

18:03 | 28/01/2016 Print
Đây là một khuyến nghị được nêu ra tại hội thảo “Báo cáo về Kinh tế vĩ mô quý 4 và cả năm 2015", do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 28/1.

NĐC

TS Nguyễn Đình Cung trình bày báo cáo tại hội thảo.

Bước sang năm 2016 với nhiều lạc quan

Đánh giá về năm 2015, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng: Điểm nổi bật là tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét và chưa làm tăng áp lực lạm phát. Tăng trưởng kinh tế cũng đi kèm với niềm tin của nhà đầu tư và DN được cải thiện, giải ngân FDI tăng đáng kể, nhà đầu tư nước ngoài lạc quan hơn vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Khu vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất trong khi nông lâm ngư nghiệp không ổn định.

Trong lĩnh vực ngân hàng tiền tệ, việc ổn định tỷ giá trong năm qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, song tăng trưởng xuất khẩu lại chịu ảnh hưởng do đồng USD lên giá. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục ở mức cao song điểm mới là sự tăng trưởng đã rải đều ở các tháng trong năm, không còn “giật cục” như các năm trước. Tuy nhiên, vấn đề với lĩnh vực này là mặt bằng lãi suất cho vay chưa giảm được.

Dự báo về khả năng thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã được đề ra cho năm 2016, báo cáo của CIEM cho rằng các chỉ tiêu quan trọng có khả năng hoàn thành ở mức cao như tăng trưởng GDP, chỉ tiêu đầu tư/GDP (31%). Theo CIEM, tăng trưởng kinh tế năm 2016 có thể đạt tới 6,82%, cao hơn mục tiêu đề ra là 6,7%, lạm phát có khả năng ở mức 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10,4%...

Nhìn chung, báo cáo của CIEM đánh giá Việt Nam bước vào năm 2016 với khá nhiều sự lạc quan. Đây cũng là năm một bộ máy điều hành mới cũng sẽ sớm được thiết lập, đưa Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với cải cách trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong bối cảnh đó, những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua chỉ là nền tảng bước đầu. Việt Nam cần khẩn trương tiến hành các cải cách sâu rộng hơn về nền tảng kinh tế vĩ mô, hệ thống pháp lý nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Tránh yêu cầu giảm lãi suất một cách hành chính

Kiến nghị cụ thể về các giải pháp với chính sách tiền tệ năm nay, CIEM đề nghị tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và cải thiện chất lượng nợ xấu, xây dựng kế hoạch và mục tiêu xử lý nợ xấu trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, cân nhắc giảm bớt các chỉ tiêu hành chính với việc điều hành chính sách tiền tệ, giảm bớt ưu tiên cho các chỉ tiêu như tăng trưởng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, tránh yêu cầu giảm lãi suất cho vay một cách hành chính.

Đồng thời, nghiên cứu, cân nhắc bãi bỏ các chương trình ưu đãi tín dụng cho một số ngành nghề hay địa phương. Việc giải ngân tín dụng ưu đãi cần đi kèm với cải thiện năng lực giám sát và điều tiết để hạn chế các méo mó. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tiền gửi bằng USD trong hệ thống ngân hàng, cũng như qua cán cân thanh toán để có những điều chỉnh phù hợp.

Đối với chính sách tài khoá, các chuyên gia của CIEM cho rằng cần chú trọng đảm bảo thực thi nghiêm kỷ luật tài khóa và quản lý đầu tư công. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, một yêu cầu cấp thiết là nâng cao hiệu quả thẩm định và điều phối dự án đầu tư công.

Đặc biệt, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Với việc bắt đầu thực hiện Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 từ năm nay, cần tránh giải ngân quá nhanh các dự án đầu tư công trong năm 2016 – 2017, nếu không có thể gây những áp lực khó khăn cho ngân sách. Mặc dù điều này không có nghĩa hạn chế các dự án mới, kể cả siêu dự án, song phải đi kèm với dừng (các) dự án kém cần thiết, kém hiệu quả hơn.

Cùng với đó, cần sớm xây dựng và ban hành sớm các tiêu chí khả thi, chi tiết và dễ đo lường, nhằm đánh giá hiệu quả dự án đầu tư công, nhất là các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia của CIEM cũng lưu ý việc giảm chi thường xuyên chỉ có hiệu quả khi giảm được số biên chế thực tế của khu vực công. Về lâu dài, cần tiến tới khoán một lượng ngân sách nhà nước cho một số hoạt động của khu vực công (thay vì cách tiếp cận nhận người rồi thì phải tạo việc và trả lương)./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam