Ách tắc thi hành án ngân hàng: Nhiều tài sản bị định giá quá cao

17:40 | 31/12/2015 Print
Tỷ lệ thi hành án trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng năm qua chỉ đạt 18% về vụ việc, 23% về giá trị. Một trong những nguyên nhân gây ách tắc trong thi hành án của lĩnh vực này là nhiều tài sản đã được định giá quá cao.

THA

(ảnh minh họa)

Số vụ thi hành án tín dụng ngân hàng chiếm 55% về giá trị

Theo tổng kết về kết quả thi hành án của Bộ Tư pháp, tỷ lệ thi hành về lĩnh vực tín dụng ngân hàng chỉ đạt 18% về vụ việc, 23% về tiền, thấp hơn nhiều tỷ lệ bình quân chung. Mặc dù số vụ thi hành án trong lĩnh vực ngân hàng chỉ chiếm 2,34% về vụ việc, nhưng chiếm đến 55% về giá trị tiền. Vì vậy, việc chậm thi hành án trong lĩnh vực này khiến chỉ tiêu thực hiện thi hành án không đạt mức cao.

Tại cuộc họp báo ngày 31/12 của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Sơn, Tổng cục phó Tổng cục Thi hành án dân sự đã nêu ra những lý do chính khiến việc thi hành án trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng bị “ách tắc”.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, cơ sở xử lý các bản án, cụ thể là các khoản nợ của tổ chức tín dụng về cơ bản là thuận lợi vì đều có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi, thị trường bất động sản chưa khởi sắc, nên việc xử lý tài sản, thu tiền về cho các tổ chức tín dụng rất khó khăn. Nguyên nhân thứ hai là ý thức tuân thủ pháp luật về thi hành án không cao. Hầu hết việc thi hành án dựa trên các quyết định công nhận tự thỏa thuận, nhưng bên chịu thi hành vẫn không tự nguyện, tìm nhiều cách lẩn tránh, gây khó khăn.

Về phía các ngân hàng, nhiều trường hợp xác định không kỹ hiện trạng nguồn gốc tài sản, dẫn dến hiện tượng tài sản được định giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Cùng với việc tài sản bị giảm giá theo thời gian, có những tài sản được định giá hàng trăm tỷ đồng, nay định giá lại giảm còn 1/3, 1/5 giá trị ban đầu, khiến việc xử lý càng khó khăn.

Bên cạnh đó, khi tham gia tố tụng tại tòa, các ngân hàng còn có nhiều sơ suất, chưa sát sao, nên khi công nhận thoả thuận thì thực tế đã diễn biến khác so với thời điểm thế chấp. Vì vậy, khi thực hiện bản án thì đối chiếu với thực tế đã khác, nên cơ quan thi hành án phải theo quy trình đề nghị xem xét giải quyết, giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều này khiến việc thi hành án mất nhiều thời gian, hiệu quả thấp.

Ông Nguyễn Văn Sơn cũng thừa nhận, ngoài nguyên nhân khách quan nói trên, còn có nguyên nhân chủ quan khiến việc thi hành án chậm là sự chưa tích cực với công việc, cần phải được khắc phục triệt để.

Vụ án Phạm Thanh Bình: Mới thu hồi được 1,73 tỷ đồng

Liên quan đến công tác thi hành án dân sự, tại cuộc họp báo, các phóng viên cũng đặt câu hỏi về tiến độ thi hành án, thu hồi tài sản của những vụ án tham nhũng lớn như vụ Dương Chí Dũng (vụ án tại Vinalines), Phạm Thanh Bình (vụ án tại Vinashin).

Về vụ án Phạm Thanh Bình, theo bản án, ông Phạm Thanh Bình phải nộp 651 triệu đồng án phí, liên đới bồi thường là hơn 542 tỷ đồng. Đến nay, ông Bình đã nộp xong án phí, bồi thường 1,73 tỷ đồng, mức bồi thường chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo ông Nguyễn Văn Son, mặc dù đã xác minh rất kỹ các tài sản của đối tượng, nhưng cũng chỉ xử lý được một căn nhà có sở hữu của ông Phạm Thanh Bình, là tài sản chung của hai vợ chồng, thu hồi được 1,73 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang chỉ đạo tiến hành xem xét kỹ để tìm các tài sản còn lại, kể cả trong trường hợp có tài sản ở nước ngoài.

Đối với vụ án Dương Chí Dũng, theo bản án, Dương Chí Dũng phải nộp 218 triệu án phí, liên đới bồi thường 110 tỷ đồng. Hiện nay, ông Dương Chí Dũng đã tự nguyện nộp 5,2 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ lệ thi hành án về tài sản trong cả hai vụ việc là rất thấp. Mặc dù không khái quát toàn bộ các vụ trọng điểm nhưng cũng cho thấy các vụ tham nhũng nói chung gặp khó khăn trong xác minh, xử lý tài sản để thi hành án, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam