Phải thoái vốn hơn 16.190 tỷ đồng trong 5 lĩnh vực nhạy cảm

14:51 | 23/11/2015 Print
Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính – ngân hàng là 9.113 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng...

thoái vốn TCT NN

Ảnh T.L minh họa.

Thoái vốn 5 lĩnh vực nhạy cảm còn chậm

Báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, Chính phủ cho biết, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế tăng trưởng thấp nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn; chưa khắc phục hoặc chưa xử lý được những tồn tại về tài chính; thị trường chứng khoán, bất động sản chưa ổn định và tăng trưởng nên việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa còn chậm.

Báo cáo nêu rõ, năm 2014 tổng số vốn đầu tư đã thoái 5 lĩnh vực gồm: Chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, bất động sản của các Công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) Nhà nước là 4.258 tỷ đồng.

Một số Công ty mẹ có giá trị thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (tính theo giá trị sổ sách) tương đối lớn trong năm 2014 gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn (TĐ) Điện lực thoái 588 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ Than khoáng sản Việt Nam thoái 381 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ Công nghiệp cao su Việt Nam thoái 381 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thoái 780 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thoái 315 tỷ đồng...

Giá trị đầu tư tăng thêm vào 5 lĩnh vực (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) là 1.401 tỷ đồng. Giá trị đầu tư tăng thêm không phải bỏ tiền mua để đầu tư thêm mà do doanh nghiệp được nhận thêm cổ phiếu từ việc chia cổ tức, tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu công ty cổ phần có vốn đầu tư của Công ty mẹ - DNNN.

Như vậy, tổng số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm còn phải thoái theo Đề án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt tính đến 31/12/2014 là 22.363 tỷ đồng.

Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2015, lũy kế đến tháng 10/2015, các đơn vị đã thoái được 4.460 tỷ đồng, thu được 4.113 tỷ đồng. Cụ thể: lĩnh vực chứng khoán là 41 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 1.213 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 105 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 2.930 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 171 tỷ đồng.

Giá trị đầu tư tăng thêm vào lĩnh vực bất động sản là 21 tỷ đồng (TCT xuất nhập khẩu Thanh Lễ góp vốn theo tiến độ dự án và đang thực hiện thủ tục thoái vốn đối với khoản đầu tư này).

Như vậy, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) mà các TĐ kinh tế, TCT Nhà nước cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Lũy kế số thoái vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm từ năm 2012 đến tháng 10/2015 đã thoái được 9.866 tỷ đồng (bằng 42% số cần phải thoái cuối năm 2011), thu được 9.496 tỷ đồng, đầu tư thêm 4.538 tỷ đồng (do chia cổ tức bằng cổ phiếu).

Hầu hết các TĐ, TCT Nhà nước đều thoái vốn trên giá trị sổ sách, chỉ duy nhất 2 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Ngân hàng TMCP Đại Dương và Tổng công ty Lương thực miền Nam tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam) là dưới giá trị sổ sách.

“Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại Đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng), trong đó: lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính – ngân hàng là 9.113 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.079 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng”, báo cáo nêu rõ.

TCT Hàng Hải Việt Nam "thống soái" về lỗ, với việc lỗ hơn 20.680 tỷ đồng

Báo cáo cũng nêu rõ, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 10 TĐ,TCT (bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con của TĐ, TCT) là 4.901 tỷ đồng.

Cụ thể, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT gồm: TCT Hàng hải Việt Nam (3.179 tỷ đồng); TCT Lương thực Miền Nam (890 tỷ đồng); TCT 15 - Bộ Quốc phòng (508 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Haprosimex – Hà Nội (284 tỷ đồng)...

Lỗ phát sinh theo báo cáo của 5 Công ty mẹ là 1.753 tỷ đồng. Cụ thể: Công ty mẹ - TCT Hàng hải Việt Nam (385 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Lương thực Miền Nam (873 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Xây dựng NN (31 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT 15 – Bộ Quốc phòng (181 tỷ đồng); Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Haprosimex – Hà Nội (283 tỷ đồng).

Về lỗ lũy kế, báo cáo hợp nhất có 19 TĐ,TCT còn lỗ lũy kế là 24.451 tỷ đồng. Cụ thể, TCT Hàng hải Việt Nam (20.687 tỷ đồng); TCT Lương thực Miền Nam (1.125 tỷ đồng); TCT 15 – Bộ Quốc phòng (569 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Haprosimex – Hà Nội (500 tỷ đồng); TCT Sông Đà (413 tỷ đồng); TCT Xăng dầu quân đội (334 tỷ đồng); TCT Truyền thông đa phương tiện VTC (196 tỷ đồng); TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị (188 tỷ đồng)...

Báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận, việc thực hiện lộ trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN còn chậm. Theo đó, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh quá trình thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa DN, tổ chức thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội về tiếp tục sắp xếp, đổi mới DNNN. Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ và các cơ chế, chính sách tháo gỡ của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhằm sớm hoàn thành việc thoái hết vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm./.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam