Hạn chế việc sử dụng khoản thu 10 nghìn tỷ đồng để bù đắp hụt thu

14:47 | 26/10/2015 Print
Bộ Tài chính sẽ cố gắng sử dụng ít hơn 10 nghìn tỷ đồng đã thoái vốn từ các DNNN để bù đắp khoản hụt thu ngân sách trung ương (NSTƯ), mà quyết liệt tập trung vào thu hồi các khoản nợ thuế khó đòi giảm thiểu khó khăn thu ngân sách nhà nước (NSNN).

hb

Đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí tham dự buổi họp báo. Ảnh Nhật Minh

Nguyên nhân tác động giảm hụt thu NSTƯ

Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính sáng 26/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, dù NSTƯ hụt thu khoảng 31 nghìn tỷ đồng so với dự toán nhưng tổng thu NSNN năm 2015 vẫñ tăng và vượt dự toán khoảng 17.400 tỷ đồng trong đó NSĐP tăng thu khoảng 47.400 tỷ đồng.

Theo giải thích của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, số thu NSNN tăng nhờ vào tăng trưởng kinh tế (GDP) năm nay đạt khá, dự kiến khoảng 6,5%. Cùng với đó là chỉ số CPI thấp từ 1,5- 2%, có nghĩa là đầu vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế có lợi.

Nhờ đó, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT tăng khá. Chính vì vậy, thu NSNN vượt và thu NSĐP vượt.

Lý giải về NSTƯ hụt thu 31 nghìn tỷ đồng, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết là do giá dầu thô giảm.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo dự kiến từ đầu năm thì giá dầu thô ở mức 100 USD/1 thùng, nhưng thực tế năm nay chỉ khoảng 50- 55 USD/1 thùng. Giá dầu giảm làm hụt các khoản thu từ thuế xuất khẩu dầu thô và các khoản thu từ khai thác và kinh doanh dầu thô.

Đồng thời, còn một khoản tác động giảm thu NSTƯ là do việc thực hiện cam kết hội nhập ASEAN. Bởi năm 2015 chúng ta điều chỉnh thuế nhập khẩu theo cam kết nhiều sản phẩm dầu giảm thuế, thậm chí có khoản về bằng 0%; trong khi các nước ngoài ASEAN, thuế nhập khẩu gấp 2- 3 lần mức trên. Do vậy, cơ cấu nhập xăng dầu ASEAN tăng do có sự chuyển dịch.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu rõ, trong khi trình Quốc hội, Chính phủ có kiến nghị đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 10 nghìn tỷ từ phần đã thoái vốn từ DNNN để bù hụt thu NSTƯ

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu rõ quan điểm, sẽ tập trung các giải pháp làm sao thu đúng, thu đủ, thu kịp thời để đảm bảo cân đối NSTƯ, giảm dần số bù đắp 10 nghìn tỷ đồng này càng ít càng tốt.

"Đây là chỉ đạo có căn cứ pháp lý, có cơ sở thực tiễn đó là số liệu công khai nợ thuế của Tổng cục Thuế để thực hiện nhiệm vụ này”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế

Theo thống kê, hiện nay nợ đọng thuế của khu vực doanh nghiệp (DN) lên tới 76 nghìn tỷ đồng. Ngoài những khoản nợ bất khả kháng do nguyên nhân khách quan của các thời kỳ khó khăn kéo dài… thì trong số nợ này, ngành Thuế tập trung vào khoản nợ 34 nghìn tỷ đồng mà DN có khả năng nộp mà không chấp hành nộp.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, hiện Bộ Tài chính đã có từng giải pháp cho từng DN nợ. “Do đó, những DN có khả năng mà chây ỳ nghĩa vụ thuế, chúng tôi phải kiên quyết. Trong số 34 nghìn tỷ DN nợ thuế, phấn đấu thu nợ 50% cũng đã được̀ 17 nghìn tỷ đồng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, tránh thất thu NSNN.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện cả nước có 506 nghìn DN hoạt động sản xuất kinh doanh tự khai, tự nộp thuế; trong đó, theo yêu cầu của Luật Quản lý Thuế, theo yêu cầu của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan Thuế phải thanh tra, kiểm tra tối thiểu phải được 12- 15% số DN này.

Đến nay, theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, kết quả thanh tra, kiểm tra đối với các DN trong 9 tháng của ngành Thuế là khá khả quan, đã lập biên bản khoảng trên 8 nghìn tỷ đồng, đã thu vào ngân sách 5 nghìn tỷ đồng, còn lại khoảng 3 nghìn tỷ đồng nữa phải quyết tâm thu.

Thời gian từ nay đến hết năm còn 3 tháng nữa, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo ngành Thuế quyết tâm tập trung thanh tra, kiểm tra vào những DN có rủi ro cao, có mục tiêu, có địa chỉ rõ ràng, có khả năng nộp.

“Đây là những DN mà phải tập trung đấu tranh khai thác, không phải là tận thu mà để đảm bảo sự công bằng. Như vậy, khả năng số nợ thuế 3 nghìn tỷ đồng là thu được trên cơ sở 5 nghìn tỷ đồng đã lập biên bản”, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Hiện nay phải nói một số DN lớn ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách".

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện Công ty liên doanh Dầu khí VIETSOVPETRO (VSP) nợ thuế 86 triệu USD (khoảng 2 nghìn tỷ đồng). Đến nay, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đồng ý phải nộp số thuế này. Nhưng đơn vị lấy nhiều lý do, trong đó có lý do vì giá dầu xuống không chịu nộp khoản thuế này./.

Bộ Tài chính đã quyết định thành lập 5 đơn vị thanh tra chống chuyển giá để tập trung vào những DN lớn, những DN có dấu hiệu liên kết, có dấu hiệu chuyển giá để đấu tranh chống thất thu thuế. Ngành Thuế cũng quyết tâm thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tài chính để công tác thu ngân sách đạt kết quả một cách tốt nhất.

H.TR

H.TR

© Thời báo Tài chính Việt Nam