Việt Nam cần nhiều hơn các nguồn tài chính ngoài ODA

18:08 | 20/04/2015 Print
Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước cho các chiến lược phát triển bền vững của quốc gia cũng sẽ là trọng tâm trong nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Hội thảo Na Uy

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: NNK

Đây là nội dung được nêu trong Hội thảo “Từ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) đến các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs): Kế thừa thành tựu của Việt Nam cho Chương trình Nghị sự phát triển sau năm 2015” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Na Uy và Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam đồng tổ chức, tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng ngoại giao, tổ chức đa phương và tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: "Theo báo cáo thực hiện các mục tiêu MDGs toàn cầu năm 2014 của LHQ, kết quả thực hiện MDGs là hết sức khả quan, với việc hoàn thành tốt các mục tiêu về xóa đói nghèo cùng cực, tiếp cận nước sạch, bình đẳng giới trong giáo dục".

Bên cạnh đó còn một số lĩnh vực của MDGs tiếp tục gặp khó khăn như các mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và mẹ khi sinh, phổ cập giáo dục tiểu học và đảm bảo bền vững về môi trường.

Ở cấp độ quốc gia, mô hình thực hiện MDGs của Việt Nam với việc nội địa hóa các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và lồng ghép toàn diện các mục tiêu này vào các chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được LHQ và nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá cao.

Đồng tình với báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg chúc mừng Việt Nam về những kết quả giảm nghèo ấn tượng và tiến bộ đạt được về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thời gian qua.

"Những đóng góp to lớn của các Mục tiêu MDGs vào tiến trình phát triển cả ở cấp toàn cầu và cấp quốc gia đã được công nhận. Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong nhiều lĩnh vực như giảm nghèo và tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Những thành quả ở cấp quốc gia của Việt Nam rất ấn tượng”, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Việt Nam vẫn còn những vấn đề cần quan tâm ở cấp quốc gia, ở cấp tỉnh cũng như ở một số nhóm dân cư đối với một số MDGs. Những mục tiêu MDGs chưa hoàn thành và những vấn đề tồn tại cần được ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động sau năm 2015 ở cấp toàn cầu và quốc gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc thực hiện SDGs sẽ đòi hỏi phải có tiềm năng tài chính. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ cũng đưa ra lời khuyên để giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam.

Việc thực hiện SDGs cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành với đầu tư thích đáng. Với Việt Nam, điều quan trọng là SDGs được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch của các ngành và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng nhấn mạnh, “Hội thảo cần tập trung thảo luận những phương án tài chính khác nhau cho những nước có thu nhập trung bình như Việt Nam…”.

Về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, khung tài chính này sẽ cần bao gồm cả nguồn tài chính công quốc tế (ngoài các nguồn ODA) và cần sự đóng góp lớn hơn từ khu vực tư nhân cũng như các nguồn tài chính sáng tạo. Ngân sách cần được ưu tiên phẩn bổ cho rất nhiều lĩnh vực, bao gồm giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, khoa học, cơ sở hạ tầng, phát minh, sáng tạo và công nghệ.

Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước cho các chiến lược phát triển bền vững của quốc gia cũng sẽ là trọng tâm của nỗ lực này. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với các quốc gia có mức thu nhập trung bình như Việt Nam, là những nước cần huy động nhiều hơn nữa các nguồn tài chính ngoài nguồn ODA.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm, bà Pratibha Mehta chia sẻ: “Việc thảo luận kỹ lưỡng về các nguồn tài chính khác nhau cho phát triển ở tầm quốc gia ở Việt Nam mang tầm quan trọng lớn. Trong đó, bao gồm cả tăng cường công tác lập kế hoạch và phân bổ ngân sách nhằm đảm bảo việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính cho phát triển, tăng cường quan hệ đối tác giữa khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, đồng thời đảm bảo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và kinh phí trong nước”.

Nội dung thảo luận này cũng sẽ đóng góp cho Hội nghị quốc tế về tài chính cho Phát triển ở Addis vào tháng 7/2015, cũng như cho công tác xây dựng kế hoạch và ngân sách phát triển quốc gia./.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam