Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

13:20 | 10/04/2015 Print
Với 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xem là đối tượng cần được ưu tiên trợ giúp pháp lý nhiều nhất.

Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị Triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhằm tổng kết thực tiễn và đề xuất kiến nghị trong hoạt động này do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 9/4.

Thông tin từ hội nghị cho biết, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan, qua đó bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người lao động, tránh thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, đảm bảo ổn định hài hòa quan hệ lao động.

Tuy nhiên, tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp chưa thực sự tốt, đặc biệt với các DNNVV, hoạt động của các doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, đối tượng chiếm 97,7% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp ở Việt Nam nên có sự tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế. Kết quả khảo sát thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, từ lâu nhiều nước đã thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cụ thể các nước thuộc Cộng đồng chung châu Âu coi việc thông tin và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Nhà nước.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết, tại Hàn Quốc, Nhật Bản…việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Chính phủ đặc biệt coi trọng, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tại đây, công tác hỗ trợ pháp lý cũng được thực hiện với DNNVV. Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, Bộ Tư pháp nước này đã hỗ trợ kinh phí cho DNNVV với số tiền tối đa là 2.000.000 Won (tương đương khoảng 40 triệu đồng/doanh nghiệp/năm). Trong khi đó, tại Việt Nam với 97% DNNVV kinh phí hỗ trợ chỉ khoảng 1 USD. Con số này là quá ít so với nhu cầu thực tế của DN...

Tại Hội nghị này, các ý kiến đưa ra cùng có đồng thuận rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định của khung pháp lý, tạo điều kiện để các DNNVV được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực về đất đai, vốn, công nghệ…để phát triển sản xuất, đặc biệt là triển khai nghiên cứu, xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực triển khai hỗ trợ DNNVV ở cấp Trung ương và địa phương thông qua Đề án tăng cường năng lực đơn vị thực hiện trợ giúp phát triển DNNVV theo quyết định 265/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ./.

Mai Đan

Mai Đan

© Thời báo Tài chính Việt Nam