Người dân sẽ được quyền kiến nghị đình chỉ dự án đầu tư công

16:10 | 06/04/2015 Print
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư, nhằm thay thế Nghị định 113/2009/NĐ-CP, lấy ý kiến lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

đầu tư công

Ảnh minh họa

Giám sát, đánh giá đầu tư chi tiết theo từng nguồn vốn

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, về cơ bản, dự thảo nghị định mới quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư về công tác giám sát và đánh giá đầu tư trên cơ sở kế thừa, phát huy các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm của Nghị định 113/2009/NĐ-CP (NĐ 113).

Theo đó, bổ sung thêm phần giám sát, đánh giá các chương trình đầu tư công cho phù hợp với Luật Đầu tư công. Đây là những bổ sung cần thiết, nhằm bảo đảm việc giám sát, đánh giá chặt chẽ của các cơ quan liên quan đến việc đầu tư các chương trình đầu tư công.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết về giám sát, đánh giá các dự án đầu tư theo nguồn vốn đầu tư. Trước đó, trong NĐ 113 mới chỉ quy định giám sát và đánh giá đầu tư theo 2 loại: dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên và các dự án khác.

Trong lần sửa đổi, bổ sung này, việc giám sát và đánh giá đầu tư các chương trình, dự án được quy định chi tiết hơn cho phù hợp với tính chất từng nguồn vốn đầu tư.

Cụ thể phân định rõ các chương trình, dự án đầu tư công; dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công; dự án đầu tư nước ngoài; dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác.

Bên cạnh đó, trong nội dung Điều 3 dự thảo Nghị định cũng đã quy định cụ thể hơn các chủ thể phải thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư trong hoạt động đầu tư. Gồm: cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình, dự án; chủ chương trình, chủ đầu tư; cơ quan chủ quản và của người có thẩm quyền quyết định đầu tư; chủ sử dụng dự án; cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án theo hình thức đối tác công tư;...

“Các thay đổi, bổ sung này, tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước về các hoạt động đầu tư của toàn xã hội, thuận lợi cho việc tham chiếu và thực hiện của các cơ quan liên quan đến hoạt động đầu tư”, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết.

Cộng đồng cùng giám sát dự án đầu tư công

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một điểm mới trong Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư là việc bổ sung thực hiện các thủ tục xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư của các chương trình, dự án đầu tư.

Trên cơ sở đó, trong các điều khoản của dự thảo Nghị định đã được bổ sung thêm nội dung giám sát, đánh giá về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như bổ sung thêm việc giám sát, đánh giá của các cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư các chương trình, dự án đầu tư.

Đồng thời, để tạo sự thống nhất về hệ thống giám sát đầu tư và các quy định hiện hành, dự thảo Nghị định đã bổ sung hướng dẫn chi tiết hơn về công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, trên cơ sở xác định công tác giám sát, đánh giá đầu tư là thực hiện mục tiêu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nhằm thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn.

Theo đó, trong trường hợp dự án có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hoá - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; hoặc chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật, Ban giám sát cộng đồng có quyền kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm nội dung quy định về chi phí và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư.

Ngoài ra, các chế tài trong việc thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư hiện được quy định và thực hiện theo Điều 19 NĐ 113, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, theo đánh giá, mức độ khả thi chưa cao. Do đó, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và thử nghiệm đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư các dự án đầu tư công.

Mục tiêu của việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư, giảm bớt các báo cáo giấy, thời gian nhanh, việc tổng hợp dễ dàng, thuận lợi. Nội dung này phù hợp với chủ trương hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.

Để có cơ sở thực hiện và áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát và đánh giá đầu tư, dự thảo Nghị định đã bổ sung các quy định về vấn đề này trong phần tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam