Quy định về tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội còn rất chung chung...

23:02 | 22/10/2014 Print
Lần đầu tiên có Luật quy định về tiêu chuẩn của đại biểu (ĐB) Quốc hội. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng quy định này còn chung chung, không khác cán bộ nhà nước, và đề xuất làm rõ hơn các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, đạo đức…

Đây là ý kiến của nhiều ĐB tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) ngày 22/10.

Quy định cơ chế hoạt động của Quốc hội còn nặng về hành chính

Về tiêu chuẩn của ĐB Quốc hội, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đánh giá đây là điều mới, lần đầu tiên được đưa vào Luật, làm căn cứ cho cử tri bầu, đánh giá ĐB Quốc hội, để ĐB Quốc hội phấn đấu trong suốt nhiệm kỳ. Tuy nhiên tiêu chuẩn như quy định còn rất chung chung, chưa khác gì với tiêu chuẩn cán bộ nhà nước, các cơ quan đoàn thể khác… trong khi trách nhiệm của ĐB ngày càng nặng nề.

Liên quan đến ĐB chuyên trách, ĐB Nguyễn Anh Sơn cho rằng quy định rất mờ nhạt, chỉ về tỷ lệ và một số chế độ chính sách, trong khi đóng góp của ĐB chuyên trách vào hoạt động Quốc hội là rất rõ.

Đánh giá cơ chế hoạt động của ĐB Quốc hội quy định trong dự thảo còn nặng về hành chính, quyền hạn chưa rõ ràng, số ĐB chuyên trách tăng nhưng chưa đáng kể, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, đảm bảo tính độc lập cho ĐB, hạn chế tình trạng hành chính hoá hoạt động của ĐBQH, cũng như thể hiện đúng tinh thần tiêu chuẩn của ĐB là được cử tri tin tưởng bầu vào Quốc hội, phản ánh tiếng nói của cử tri.

ĐB kiêm nhiệm: Vai nào là ĐB, vai nào là cán bộ quản lý?

ĐB Trần Ngọc Vinh cũng đánh giá quy định về tiêu chuẩn của ĐB Quốc hội trong dự thảo còn chung chung, cần cụ thể về tiêu chuẩn, xem xét nên quy định rõ cả tiêu chuẩn của ĐB chuyên trách ở địa phương và trung ương. Đồng thời nên có quy định rõ số ĐB chuyên trách tại địa phương, để nắm sát tình hình thực tế, tiếng nói của cử tri, phản ánh kịp thời với Quốc hội hơn.

TS
ĐB Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại phiên họp ngày 22/10. Ảnh: TTXVN

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng ĐB Quốc hội, là chủ thể cấu thành Quốc hội, việc nâng cao chất lượng ĐB là rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển của quốc gia. Vì vậy để lựa chọn được người xứng đáng, cần bổ sung rõ hơn tiêu chuẩn của ĐB về bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, uy tín trong nhân dân để tham gia ứng cử.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh cũng đề nghị nâng số lượng ĐB chuyên trách lên ít nhất 50%, gồm cả ĐB chuyên trách địa phương.

Về ĐB kiêm nhiệm, ĐB đặt vấn đề cử tri không biết khi nào ĐB làm nhiệm vụ Quốc hội, khi nào làm việc của cơ quan hành pháp. “Liệu Bộ trưởng này có thể chất vấn Bộ trưởng khác, chất vấn Thủ tướng hay không? Người lãnh đạo sẽ giám sát chính bộ, ngành mình thế nào?”, vì vậy ĐB đề nghị bổ sung quy định cho rõ ràng, phù hợp.

Nếu tín nhiệm thấp, cán bộ sẽ phải từ chức

Nhiều ĐB cũng tham gia đóng góp về nội dung lấy phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo luật. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho biết đây là một trong những việc quan trọng của ĐB Quốc hội mà hầu hết các nước đều ghi nhận. Luật cần làm rõ trường hợp nào bỏ phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu bất tín nhiệm, trường hợp ĐB Quốc hội và cơ quan Quốc hội cảm thấy không tín nhiệm với Chính phủ hoặc cơ quan nào của Chính phủ thì có thể kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh đề nghị quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm khi có ý kiến đề nghị bằng văn bản của ít nhất 2/3 ĐB. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị nếu cán bộ có 2/3 phiếu tín nhiệm thấp thì nên quy định cho phép người này từ chức trước khi bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu không từ chức thì UBTVQH đề nghị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Định) đề nghị, nếu tín nhiệm thấp thì phải từ chức thay vì không tín nhiệm thì “có thể từ chức”.

Vai trò của đoàn ĐB mờ nhạt

Chưa đồng tình với quy định về Đoàn đại biểu, ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cho rằng quy định như dự thảo luật là không thừa nhận thực tiễn, không kế thừa quy định hiện hành. Bản thân hoạt động của đoàn hoàn toàn mang tính pháp nhân, có con dấu riêng, tiếng nói riêng... Nhưng dự thảo chỉ quy định đoàn ĐB tổ chức các đoàn giám sát, không có quyền thực hiện giám sát, như vậy chỉ là phục vụ cho các ĐB Quốc hội mà thôi. “Các quyền hạn của đoàn ĐB như dự thảo thực sự là bước lùi đối với vai trò đoàn ĐB Quốc hội”, ĐB La Ngọc Thoáng nhận xét.

Về nội dung này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh cũng cho rằng, quy định như dự thảo sẽ không làm rõ được thẩm quyền của đoàn đại biểu quốc hội tại địa phương. Đề nghị bổ sung quyền hạn của đoàn đại biểu quốc hội được quyền trình dự án luật, sáng kiến đề xuất luật, tổ chức giám sát…

Tại phiên thảo luận, các ĐB cũng đề nghị làm rõ quyền quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, cụ thể như trong việc quyết định ngân sách và phân bổ ngân sách. Làm rõ nhiệm vụ giám sát điều tiết ngân sách trung ương, ngân sách địa phương...

Với nội dung ban hành văn bản pháp luật, ĐB Trần Ngọc Vinh cho rằng dự thảo luật quy định chung chung, dễ dẫn đến tình trạng không nghiêm về tiến độ. ĐB đề nghị quy định thời xem xét dự án luật tối đa là 2 kỳ họp, nếu 2 kỳ không thông qua được đề nghị loại bỏ để trình lại, tránh tình trạng kéo dài đến 3 kỳ liên tiếp./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam