Đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương: Khó khả thi

09:16 | 13/08/2014 Print
Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Luật Nhà ở liên quan đến các vấn đề: quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, chính sách nhà ở công vụ; nhà ở xã hội, quỹ phát triển nhà ở xã hội; thời hạn sử dụng, sở hữu chung trong nhà chung cư,...

Có giới hạn "giá sàn" cho người nước ngoài mua nhà

Đối với quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài, một số ý kiến khác cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở; cần có quy định để phòng, chống rửa tiền thông qua việc mua nhà.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) cho rằng, với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở là chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại; chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ,… thì sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước. Đồng thời, với các quy định chặt chẽ như vậy thì vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm và cũng không nên quy định thêm về điệu kiện cư trú.

Bên cạnh đó, UBPL cũng đề nghị bổ sung quy định về phương thức thanh toán để phòng chống rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện qua ngân hàng.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị làm rõ hơn về đối tượng cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà, bởi có nhiều đối tượng nhập cảnh với nhiều mục đích khác nhau như du lịch, đầu tư, thăm thân,...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải quy định chặt chẽ hơn với người nước ngoài trong các điều khoản thanh toán, tạo thêm cản trở về thủ tục trong việc mua nhà, mà hiệu quả phòng chống rửa tiền vẫn không cao. Nên áp dụng với người nước ngoài các quy định thanh toán như người Việt Nam.

Khó tính nhà ở công vụ vào chế độ tiền lương

Về chính sách nhà ở công vụ, trước nhiều ý kiến đóng góp khác nhau, UBPL cho rằng, trong điều kiện hiện nay chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi. Đồng thời, để phù hợp với chính sách điều động, luân chuyển cán bộ, UBPL đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành và được bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần có quy định mức nhà ở công vụ cụ thể, tương ứng với cấp bậc công tác, không thể có chế độ “cào bằng” trong chính sách nhà ở công vụ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị, bổ sung mục nhà ở công vụ với lực lượng vũ trang để làm cơ sở thống nhất với quy định về nhà ở công vụ trong Luật Công an nhân dân và Sĩ quan quân đội.

Nội dung về nhà ở xã hội cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng chính sách nhà ở xã hội không nên ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư mà cần xác định đúng đối tượng ưu tiên là người nghèo không có nhà ở.

Nhiều ý kiến tán thành việc cần có Quỹ phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ vốn cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, tạo thêm một kênh huy động vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định và thời gian cho vay dài hạn của các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở.

Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, không nhất thiết 63 tỉnh, thành phải có quỹ mà chỉ nên thành lập ở một số địa phương, gắn với ngành Tài chính và ngành Xây dựng ở địa phương, chịu trách nhiệm là UBND, dưới sự giám sát của HĐND.

Về sở hữu chung trong nhà ở chung cư, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý đảm bảo nguyên tắc, nếu giá nhà đã tính hết vào giá bán căn hộ thì các phần diện tích còn lại phải là sở hữu chung. Nếu chủ đầu tư muốn giữ lại các tầng hầm, phần sở hữu chung thì phải giảm giá bán. Các khu chung cư phả có diện tích sinh hoạt chung phù hợp.

Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng giải trình thêm về một số nội dung được góp ý kiến. Về hỗ trợ nhà ở xã hội, mặc dù đối tượng chính là hỗ trợ người mua nhưng vì đây là lĩnh vực khó phát triển nên cần có biện pháp khuyến khích DN phát triển nhà ở cho người khó khăn về nhà ở. Về sở hữu chung với nhà ở chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cần đảm bảo sự bình đẳng giữa người có ô tô và người không có ô tô, nhất là với các khu chung cư có nhiều tầng hầm, chi phí phân bổ cho căn hộ sẽ rất cao. Đồng thời, cần khuyến khích chủ đầu tư đầu tư tầng hầm để tăng diện tích để ô tô, giảm mật độ giao thông tĩnh ở đô thị./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam