Chính phủ cam kết tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển

10:51 | 28/04/2014 Print
Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2014" sáng nay (28/4). Tham gia hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hội nghị này tổ chức nhằm đánh giá tình hình phát triển DN, những mặt thuận lợi, mặt tốt, mặt làm được, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc phát sinh.

Trên cơ sở đó, Chính phủ cùng với cộng đồng DN cùng bàn thảo và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực với mục tiêu phát huy tối đa những thuận lợi, tạo điều kiện cho cộng đồng DN phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả... nhằm đóng góp vào phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đối thoại DN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2014

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, vai trò của DN đối với nền kinh tế là rất lớn. Sự phát triển của cộng đồng DN trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều DN đang gặp khó khăn do những dấu hiệu thiếu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước. Do vậy, để hỗ trợ cộng đồng DN vượt khó và phát triển hơn nữa, Thủ tướng cho biết, Chính phủ và các bộ ngành liên quan sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để tất cả các thành phần DN phát triển.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã báo cáo tổng quan tình hình phát triển DN và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội các năm 2014-2015; Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN ngoài Nhà nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế –xã hội năm 2013 đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2013 có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch; 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ giảm hộ nghèo.

Năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng từ năm 2010. Tăng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25 của năm 2012, đưa quy mô nền kinh tế lên khoảng 170,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.900 USD. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và năm 2013 được kiểm soát ở mức 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chỉ số toàn ngành công nghiệp năm 2013 tăng 5,9% cao hơn mức tăng năm 2012.

Kinh tế - xã hội đã có dấu hiệu phục hồi và một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt, giúp số lượng các DN thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại, đạt 76.955 DN (tăng 10% so với năm 2012), nhưng không bằng số lượng DN thành lập mới của năm 2009 và 2010.

Trong quý I/2014, cả nước có hơn 18.000 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 98.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% về số DN và 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Cũng trong quý vẫn còn 17.000 DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Nói chung, tình hình sản xuất kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, phục hồi tăng trưởng ở mức thấp và thiếu bền vững.

Cũng tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã bá́o cáo và kiến nghị một số vấn đề nhằm đưa ra một chương trình đột phá thể chế, tạo khí thế mới, động lực mới cho khu vực DN giai đoạn 2014-2015.

Nói một cách hình ảnh, theo các nhà kinh tế, “đội thuyền thúng” DN Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn...

vu tien loc

Ông Vũ Tiến Lộc

Ông Lộc cho biết, cho đến nay, Việt Nam đã có trên 500 nghìn DN đang hoạt động, trong đó: có trên 3 nghìn DNNN, 8 nghìn DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại phần lớn (97-98%) là DN dân doanh. Cộng đồng DN đông đảo này đang góp phần tích cực vào tăng trường kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu cho NSNN, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển đi lên.

Tuy nhiên, cộng đồng DN, nhất là khu vực DN dân doanh đang đứng trước một giai đoạn khó khăn. Sau một thời gian phát triển chủ yếu theo chiều rộng, khi môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, những yếu kém nội tại của cộng đồng DN đang bộc lộ ngày càng rõ. Nhiều DN buộc phải rời bỏ thị trường: số DN phá sản giải thể, ngừng hoạt động trong mấy năm gần đây rất lớn.

Trong cộng đồng DN, có tới 95-96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, riêng DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66-67%. Còn nếu tính các các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động thì, DN siêu nhỏ chiếm tới trên 99,9%,…

Do vậy, “yêu cầu có tính chất sống còn của cộng đồng DN là phải tái cấu trúc, phải đổi mới mô hình tăng trưởng. DN Việt Nam phải lớn lên về quy mô, cao hơn về công nghệ, vươn tới các chuẩn mực về quản trị để đủ sức tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra được các thương hiệu và chuỗi giá trị của DN Việt”, ông Lộc nhấn mạnh./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam