Thoái vốn nhà nước tại DN: Bán cách nào cũng phải bảo toàn vốn

09:24 | 03/04/2014 Print
(TBTCVN) - Đã là doanh nghiệp nhà nước thì phải có trách nhiệm bảo toàn vốn, không được phép làm mất vốn nhà nước khi đầu tư ngoài ngành với mục đích kiếm lời.

Đó là khẳng định của ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ nhằm đẩy mạnh thoái vốn nhà nước giai đoạn 2013 -2015.

* Nghị quyết 15 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước giai đoạn 2013-2015, ông có thể nói rõ những điểm mới của Nghị quyết này?

- Nghị quyết đưa ra nhắc lại những quy định cũ nhưng đồng thời mở rộng, hướng dẫn cụ thể hơn. Khi thoái vốn vẫn phải đảm bảo theo đúng nguyên tắc mà Nghị quyết 26 của Chính phủ đưa ra: thoái vốn theo thị trường, công khai, minh bạch, có lộ trình, nhằm kêu gọi và tận dụng được nguồn lực của các nhà đầu tư tham gia. Có bán công khai mới biết giá trị thực của tài sản doanh nghiệp đang sở hữu. Tất nhiên thời hạn vẫn chốt đúng theo chỉ đạo của Chính phủ là trước ngày 31/12/2015.

Nguyên tắc đầu tiên là phải đấu giá trên thị trường. Chỉ khi đấu giá trên thị trường mà có duy nhất một người mua hoặc khi bán đấu giá mà giá trị mang lại thấp hơn giá trị sổ sách, thì mới được phép quay về với cơ chế bán theo giá thỏa thuận để chọn được người mua với giá cao hơn.

ông đặng quyết tiến

Ông Đặng Quyết Tiến

Nghị quyết cũng nêu rõ, trong trường hợp doanh nghiệp không thoái được vốn phải chuyển phần vốn đầu tư ngoài ngành đó cho những tổ chức có chức năng tiếp nhận quản lý vốn của nhà nước theo hình thức thoái vốn. Ngay cả trong tình huống thoái vốn này, cũng phải theo thị trường, công khai, minh bạch và có lộ trình.

* Đây là những tổ chức nào, thưa ông?

- Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước tiếp quản phần vốn đầu tư của các tập đoàn tại công ty cổ phần, công ty tài chính và ngân hàng thương mại.

Những đơn vị có chức năng này sẽ có những quy trình, có cách tính toán để thoái vốn hiệu quả, đạt giá trị lớn nhất cho Nhà nước.

* Nghị quyết có cơ chế gì mới đối với những doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối hoặc không chi phối, thưa ông?

- Trước đây, khi doanh nghiệp là công ty đại chúng bị thua lỗ thì không được thoái vốn. Nhưng theo chủ trương mới của Chính phủ thì những đơn vị này sẽ được bán đấu giá cổ phần theo nguyên tắc công khai, minh bạch và có lộ trình.

Không thoái vốn bằng mọi giá, chấp nhận lỗ để thoái vốn, mà vẫn phải hạn chế tổn thất, có kế hoạch, theo thị trường nhằm đảm bảo thu hồi giá trị tối đa nhất cho chủ sở hữu nhà nước là người dân.

* Một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm hiện nay là cơ chế thoái vốn dưới giá trị sổ sách. Vậy, những trường hợp nào sẽ được áp dụng cơ chế này?

- Bán theo cách nào thì cũng phải đảm bảo hiệu quả nhất, đồng thời ràng buộc và quy định rõ trách nhiệm của hội đồng thành viên, của ban điều hành doanh nghiệp cũng như của những người quyết định khoản đầu tư.

Nghị quyết cho phép doanh nghiệp nhà nước thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các khoản dự phòng tổn thất do đầu tư vào những lĩnh vực không phải là lĩnh vực kinh doanh đặc thù của doanh nghiệp.

Trường hợp thực sự mất vốn hoàn toàn; tức là, mặc dù có đấu giá nhưng không có nhà đầu tư tham gia, thì chấp nhận bán theo phương thức thỏa thuận. Thế nhưng, nếu dưới giá trị sổ sách quá nhiều, thì phải kiểm điểm trách nhiệm của người quyết định đầu tư, sau đó là trách nhiệm của chủ sở hữu.

Sau khi tính toán các khoản đền bù, xử lý trách nhiệm của từng chủ thể tham gia quyết định đầu tư, thì đại diện chủ sở hữu là các bộ chủ quản cùng với Bộ Tài chính xem xét thực hiện thoái vốn theo đúng Nghị định 71 của Chính phủ và các Nghị quyết về thoái vốn cũng như các hướng dẫn.

* Vậy, trường hợp giá thỏa thuận cao hơn giá thị trường thì có được phép bán theo giá thỏa thuận không, thưa ông?

- Nguyên tắc đầu tiên là phải đấu giá trên thị trường. Chỉ khi đấu giá trên thị trường mà có duy nhất một người mua hoặc khi bán đấu giá mà giá trị mang lại thấp hơn giá trị sổ sách, thì mới được phép quay về với cơ chế bán theo giá thỏa thuận để chọn được người mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, những trường hợp này cũng phải xem xét kỹ, tránh tình huống doanh nghiệp cố ý đấu giá hình thức nhằm mục đích bán theo giá thỏa thuận.

Mặc dù vậy, bán theo giá thỏa thuận chỉ là phương án cuối cùng. Ngay cả khi đủ cơ sở để bán theo giá thỏa thuận thì vẫn phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, là chủ sở hữu. Trong trường hợp không thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu thì đại diện chủ sở hữu phải báo cáo các bộ ngành, Chính phủ.

* Xin cảm ơn ông!

Hà Anh

Hà Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam