Kiểm toán chuyên đề tái cơ cấu: Đụng đến nhiều chỗ khó

11:08 | 04/12/2013 Print
Để phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát quá trình tái cơ cấu trong năm 2014 và các năm tiếp theo, KTNN sẽ tập trung kiểm toán 3 lĩnh vực chủ yếu của chương trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, từ đó có những kiến nghị cụ thể trong việc chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu.

kiểm toán nhà nước

Theo kế hoạch năm 2014 mới xây dựng các cuộc kiểm toán có tính chuyên đề về tái cơ cấu. Ảnh minh họa

>> Rất khó luận tội sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng

Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN ) đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Tổ chức kiểm toán quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế” được tổ chức ngày 3/12.

* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả bước đầu của kiểm toán tái cơ cấu thời gian qua?

- Theo kế hoạch năm 2014 mới xây dựng các cuộc kiểm toán có tính chuyên đề về tái cơ cấu. Năm 2013 chúng tôi mới tiến hành một số nội dung trong các đề án tái cơ cấu, ví dụ vấn đề về đánh giá, định giá tài sản, các DN đã cổ phần hoá trong lộ trình tái cơ cấu, hoặc một số nội dung khác. Còn tổng thể và bao quát nằm trong kế hoạch 2014 và các năm sau.

* Trong quá trình kiểm toán tái cơ cấu DNNN, vấn đề khó nhất của kiểm toán là gì, thưa ông?

Kế hoạch kiểm toán 2014 đang xây dựng, xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sẽ cố gắng ban hành kế hoạch này trước 31/12/2013.

ông đoàn xuân tiên, kiểm toán nhà nước

Ông Đoàn Xuân Tiên

- Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay là sự am hiểu của kiểm toán viên về vấn đề tái cơ cấu. Đây là vấn đề mới của đất nước. Để kiểm toán được quá trình tái cơ cấu đó thì kiểm toán viên phải hiểu được rất cặn kẽ, sâu sắc.

Chính vì vậy, chúng tôi phải tổ chức các hội thảo như này để các cán bộ kiểm toán viên, lãnh đạo đơn vị nghe các chuyên gia nói về tái cơ cấu, nội dung tái cơ cấu, lộ trình tái cơ cấu và gợi ý của chuyên gia trong quá trình kiểm toán, nên tập trung vào vấn đề gì.

Hiện nay, quá trình tái cơ cấu là mới ban hành các đề án, có đơn vị đã xây dựng các đề án tái cơ cấu theo đề án Chính phủ, nhưng nhiều đơn vị chưa làm xong, nên quá trình tập hợp dữ liệu để phục vụ cho xác định kế hoạch kiểm toán cũng là vấn đề khó.

* Từ những nội dung được đưa ra tại hội thảo này, KTNN sẽ có hướng áp dụng thế nào thưa ông?

- Tại hội thảo, chúng tôi đã mời nhiều chuyên gia kinh nghiệm, tâm huyết với vấn đề tái cơ cấu để đóng góp ý kiến, tham khảo kinh nghiệm.

Chẳng hạn TS Lê Xuân Nghĩa đã gợi ý những vấn đề rất đáng quan tâm trong lĩnh vực kiểm toán NHTM là sở hữu chéo. Mục tiêu là kiểm toán sở hữu chéo, nhưng nội dung kiểm toán sở hữu chéo ra sao, phương pháp, thủ tục như nào rất khó, bởi chính những vấn đề đó, ngay cả người trong ngành cũng xác định sở hữu chéo là vấn đề rất khó. Chính vì vậy, chúng tôi phải nghiên cứu sâu mới có thể đặt ra được nội dung và các phương pháp tiến hành kiểm toán.

Về tái cơ cấu DN, chúng tôi sẽ tập trung kiểm toán tổ chức, sắp xếp lại DN, kiểm toán tái cơ cấu về tài chính, phân bổ nguồn lực. Đặc biệt với vấn đề đang được quan tâm là định giá tài sản, thoái vốn, chúng tôi sẽ chú trọng kiểm toán trình tự thoái vốn, điều kiện thoái vốn, tổ chức thoái vốn có đúng quy định hay không.

Theo tôi, điều rất quan trọng là kiểm toán tính hiệu quả hiệu lực của tái cơ cấu, đánh giá lại vấn đề thực hiện tái cơ cấu cho tương lai, tác động của đề án sau khi thực hiện, mang lại hiệu quả gì cho nền kinh tế nói chung, cho từng doanh nghiệp, tổng công ty, ngân hàng nói riêng.

* Thưa ông, dự kiến các chuyên đề KTNN về tái cơ cấu năm 2014 sẽ là gì ?

- Chuyên đề KTNN sẽ tập trung theo 3 lĩnh vực. Thứ nhất là kiểm toán quá trình tái cơ cấu các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty. Thứ hai là kiểm toán quá trình, kết quả tái cơ cấu ở tổ chức tài chính, NHTM. Thứ ba là kiểm toán tái cơ cấu trong đầu tư công, như các dự án đầu tư hoặc các vấn đề phân bổ nguồn lực, về việc đáp ứng được mục tiêu và nội dung của đề án tái cơ cấu tổng thể.

* Vậy kế hoạch kiểm toán năm tới bao giờ sẽ tiến hành, đơn vị, nhóm nào sẽ là đầu tiên?

- Đây là cả quá trình đặt ra trong thời gian trung hạn từ năm 2014 – 2017. Hiện nay, kế hoạch 2014 đang xây dựng, xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sẽ cố gắng ban hành kế hoạch này trước 31/12/2013.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam