Người nghèo bù đắp chi phí khám bệnh cho người giàu: Quá ngược đời!

13:07 | 09/11/2013 Print
Ngày 8/11, Quốc hội dành cả ngày để tiếp tục thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 – 2012.

>> Bảo hiểm y tế: Tỉnh 'nghèo' bù đắp cho tỉnh 'giàu'

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh, hệ thống cơ sở y tế, nhiều Đại biểu (ĐB) đã đóng góp ý kiến về vấn đề quản lý tài chính đối với quỹ BHYT, kết dư BHYT…

Sử dụng số kết dư chưa hợp lý

ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho biết, theo báo cáo, số thu BHYT trên cả nước có xu hướng tăng, số chi cũng tăng lên, có thời điểm bội chi nhưng đến nay đã cân đối được và có kết dư, lũy kế đến nay là hơn 12 ngàn tỷ đồng.

Người nghèo bù đắp chi phí khám bệnh cho người giàu: Quá ngược đời!
Tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ BHYT kết dư cao còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. “Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được”. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

Tuy nhiên, ĐB chỉ ra các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khá hơn thường bội chi quỹ, trong khi đó các tỉnh miền núi khó khăn, tỉnh nghèo lại kết dư quỹ BHYT tương đối lớn. Một trong những nguyên nhân kết dư quỹ BHYT là do người tham gia BHYT không có cơ hội được tiếp cận với kỹ thuật y tế hiện đại, có chi phí cao hơn do BHYT chi trả.

“Thật là phi lý khi các địa phương khó khăn hơn lại phải chuyển kết dư cho các địa phương bội chi có điều kiện kinh tế phát triển hơn rất nhiều, không loại trừ bội chi do lạm dụng kỹ thuật cao và sự quản lý còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong việc sử dụng quỹ BHYT, như nghi ngại của dư luận gần đây”, ĐB Đinh Công Sỹ nói.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho biết, tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ BHYT kết dư cao còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. “Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được”, ĐB Huỳnh Nghĩa nói.

Dinh Cong Sy
ĐB Đinh Công Sỹ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Lấy ví dụ về kết dư quỹ BHYT của các tỉnh lũy kế cho đến nay đã bằng thu của cả tỉnh trong một năm với trên dưới 1 triệu dân, điển hình như tỉnh Sơn La kết dư suốt từ năm 2009 đến nay đã xấp xỉ con số 1.000 tỷ đồng, ĐB Đinh Công Sỹ khẳng định đây sẽ là nguồn kinh phí không nhỏ để mua sắm thiết bị, cải thiện hạ tầng trạm y tế cấp xã ở các tỉnh miền núi hiện nay.

Vì vậy nhiều ĐB, trong đó có ĐB Đinh Công Sỹ và ĐB Huỳnh Nghĩa kiến nghị Chính phủ xem xét và sớm có giải pháp để số tiền kết dư được đầu tư trở lại vào các tỉnh có kết dư để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, đầu tư phương tiện phù hợp với miền núi, vùng sâu để người dân khu vực này được hưởng lợi một cách công bằng.

ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị xem xét trích một phần kết dư quỹ BHYT để thực hiện việc cho vay ưu đãi để các cơ sở y tế tư nhân tham gia khám BHYT, đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT.

Xem xét nâng mức đóng BHYT

Nêu ra tình trạng ép chi khi bội chi quỹ BHYT, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng hiện nay mức đóng BHYT của nước ta còn thấp nên tổng quỹ BHYT không nhiều, nếu không nâng mức đóng BHYT sẽ không đủ chi nhưng ngược lại, nâng mức BHYT sẽ ảnh hưởng đến người dân, do đó, cơ quan BHXH thường khống chế số dịch vụ kỹ thuật áp dụng trên một người bệnh. Điều này khiến các bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh phát hiện bệnh chậm hơn, chất lượng điều trị kém hơn. Để giải quyết vấn đề trên, ĐB đề nghị xem xét nâng mức đóng BHYT trong một chừng mực nhất định.

Đối với hoạt động đầu tư và bảo toàn tăng trưởng quỹ BHYT, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho biết theo QĐ 04 của Thủ tướng Chính phủ thì nguồn vốn được thực hiện hoạt động đầu tư tăng trưởng hàng năm là toàn bộ số tiền tại thời gian nhàn rỗi. Gồm có quỹ BHXH bắt buộc, quỹ BHXH tự nguyện, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ BHYT. Toàn bộ số tiền sinh lời sẽ được đầu tư trở lại và phân bổ theo tỷ lệ vốn kết dư bình quân của từng quỹ tương ứng. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì các hình thức đầu tư hiện nay chủ yếu là mua trái phiếu Chính phủ, cho Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại vay. Số tiến sinh lời thu từ hoạt động đầu tư từ giai đoạn 2009 - 2012 lên đến trên 50 ngàn tỷ đồng.

Đồng tình với việc thực hiện hoạt động bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHYT, tuy nhiên ĐB Phương Lan băn khoăn hoạt động này có ảnh hưởng đến điều chuyển nguồn tài chính của quỹ hay không, bởi BHYT là một loại quỹ tài chính ngắn hạn.

Việc cấp, quản lý thẻ BHYT cũng là một trong những nội dung được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần khẩn trương triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo kết nối thông tin giữa các đơn vị trong ngành BHYT và những người dân tham gia BHYT, BHXH, chỉ sử dụng một mã số duy nhất nhằm thanh toán chính xác, kịp thời chi phí khám, chữa bệnh và khắc phục tình trạng cấp trùng BHYT./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam