Sở hữu đất đai không phải là yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp

16:18 | 06/11/2013 Print
Vấn đề sở hữu đất đai trong phát triển kinh tế không phải là lực cản đối với phát triển của DN, không quyết định thành bại trong kinh doanh của DN.

KCN

Khu công nghiệp Quán Ngang, Quảng Trị. (Ảnh minh họa)

Đây là ý kiến trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội của ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thảo luận tại Quốc hội sáng 6/11.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về một số ý kiến khác nhau liên quan đến quyền sở hữu đất đai được đề cập gần đây?

Chúng ta phải nhìn vào bản chất của sự việc trước khi đi vào vấn đề. Họ cứ nói về vấn đề sở hữu đất đai, hoặc sửa điều 19 cũ của Hiến pháp là đất đai là sở hữu toàn dân. Nhìn ra xung quanh chúng ta, Hồng Kông có được sở hữu đất không? Đất Hồng Kông là đất thuê, tất cả các tỷ phú, triệu phú trên đất Hồng Kông không sở hữu đất đai, vậy tại sao Hồng Kông vẫn là cửa ngõ của Trung Quốc, vẫn là khu phát triển kinh tế nhất. Cho nên sở hữu đất đai không phải là vấn đề quyết định thành bại của một DN.

Nhìn lại trong nước, chúng ta thấy các DN FDI đều đi thuê đất trong KCN hoặc bên ngoài. Riêng Samsung thuê đất ở Bắc Ninh, Núi Pháo (Thái Nguyên). Chỉ trong năm 2012, 2013 họ đã liên tục nâng tỷ trọng xuất khẩu, chiếm tới 17% của Việt Nam. Nhưng họ không sở hữu đất mà vấn đề là họ sở hữu công nghệ, họ có thị trường và đội ngũ lao động có tay nghề cao, chứ họ không đặt vấn đề là sở hữu đất đai. Người ta có tiền đến đâu thì đầu tư nhà máy đến đấy. Các DN lớn trên thế giới đầu tư khác với DN Việt Nam.

Vì vậy, trong tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Đất đai lần này, chúng ta hàm ý nói rõ là vấn đề sở hữu đất đai trong phát triển kinh tế không phải là lực cản cho phát triển kinh doanh của DN như một số người nói trong thời gian vừa qua .

- Vậy theo ông, vấn đề là ở đâu ?

Sở hữu đất đai không phải là yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp
  Việc sửa Luật lần này sẽ cố gắng hạn chế tác động xấu của nền kinh tế thị trường trong quản lý đất đai.   ĐB Nguyễn Đức Kiên

Vấn đề là công tác tổ chức, triển khai thực hiện của chúng ta về xử lý đất đai ra sao. Điều người dân bức xúc không phải là họ tranh cãi đất của tôi hay của nhà nước. Vấn đề họ yêu cầu là làm rõ ai là người được hưởng lợi trong việc họ nhường đất lại cho các dự án, công trình.

Chúng ta cần công khai xem thu từ đất đó được bao nhiêu, ví dụ thu tiền quỹ sử dụng đất. Nếu thu 100 đồng thì trong 3 năm chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương đó 60 đồng, 40 đồng nộp ngân sách. Giao cho hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện đầu tư. Bên cạnh đó, người dân cũng đặc biệt quan tâm đến việc làm của họ, con cái của họ được giải quyết ra sao khi thu hồi đất. Đấy mới là vấn đề đáng lo khi đánh giá việc thu hồi đất được giải quyết thế nào.

- Luật Đất đai sửa đổi lần này có giải quyết được những vấn đề đó không thưa ông ?

Luật bổ sung lần này tiếp thu theo hướng thực hiện theo Hiến pháp, đưa ra những quyền về quản lý quy hoạch, quản lý thu hồi đất rành mạch hơn. Và có cơ quan để thực hiện thu hồi đất, tức là trung tâm kinh doanh quỹ đất của các tỉnh. Đây là một cơ quan hành chính không vì lợi nhuận, tiến hành thu hồi đất sau đó cho DN thuê. Những hoạt động như thế công khai hơn, minh bạch hơn, người dân giám sát được chuyện đó. Như thế sẽ hạn chế chuyện lấy lý do chi phí đất cao để đẩy giá bán nhà cửa cao, vốn là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.

Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ làm rõ quá trình này để người dân kiểm soát quá trình thu hồi đất và sử dụng đất. Mục đích của chúng ta khi ban hành quản lý sử dụng đất là đúng, nhưng việc tổ chức thực hiện có vấn đề. Đây luôn là khâu yếu nhất của chúng ta, bởi dễ bị tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Việc sửa Luật lần này sẽ cố gắng hạn chế tác động xấu của nền kinh tế thị trường trong quản lý đất đai.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam