Quảng Ninh: Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách gấp 5 lần

21:36 | 10/08/2021 Print
Là một trong 3 địa phương thuộc “vùng lõi” của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quảng Ninh ngày càng thể hiện xuất sắc vai trò là một cực tăng trưởng phía Bắc. Sự xuất sắc đó càng được thể hiện rõ ràng khi địa phương này đang là “thỏi nam châm” thu hút lượng lớn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Tour du lich Ha Long Park cua Sungroup

Tour du lịch khám phá Hạ Long park của Sungroup. Ảnh: PV

Khi vốn ngoài ngân sách là động lực quan trọng

Ngay từ năm 2013, trong điều kiện khung pháp lý chưa đầy đủ, tỉnh Quảng Ninh không trông chờ vào nguồn ngân sách từ trung ương mà mạnh dạn triển khai một số mô hình đầu tư mới như: Đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công... nhằm huy động nguồn lực từ khối tư nhân hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Bằng cách làm đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, nhiều nhà đầu tư lớn như: Sun Group, Vingroup, FLC… đã triển khai hàng loạt các công trình động lực trên nhiều lĩnh vực tại Quảng Ninh. Trong đó có thể kể đến một số công trình như: Vinpearl Resort & Spa Hạ Long, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn,...

Với cách làm đó, một đồng vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh đã hút 8 - 9 đồng vốn từ xã hội để phục vụ mục tiêu phát triển; đồng thời, đặt nền tảng quan trọng cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho các giai đoạn tiếp theo.

Từ nền tảng đã có, tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới năm 2030 với quyết tâm hành động xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương này xác định nguồn vốn ngoài ngân sách là động lực quan trọng của sự phát triển.

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được ưu tiên. Trong đó, từ đầu năm tới nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp tăng cường cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm giữ vững thứ hạng của tỉnh đối với 4 chỉ số: PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (quản trị hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh), PAR Index (cải cách hành chính), SIPAS (sự hài lòng về sự phục vụ hành chính).

Các sở, ban, ngành, địa phương bám sát tinh thần và triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai.

Cụ thể hóa bằng hành động

Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu cơ quan tham mưu lập danh sách các dự án ưu tiên cần hỗ trợ giải quyết, xử lý, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc khởi công năm 2021.

Đặc biệt, tháng 6/2021, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tổ công tác sẽ thực hiện rà soát 87 dự án đầu tư ngoài ngân sách, tại 11/13 địa phương trong tỉnh. Một số địa phương có dự án rà soát lớn như: thị xã Đông Triều 24 dự án, thành phố Uông Bí 17 dự án, thành phố Hạ Long 7 dự án...

Cong ty TNHH det may Weitai
Công ty TNHH dệt may Weitai KCN Việt Hưng TP Hạ Long. Ảnh: PV

Tỉnh Quảng Ninh cũng thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ một số dự án đầu tư trọng điểm, như: Tổ công tác hỗ trợ Tập đoàn Foxconn tại Quảng Ninh; Tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar;...

Các tổ công tác chủ động làm việc với các chủ đầu tư để nắm bắt vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cấp phép đầu tư, trọng tâm là các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp; hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Ngoài ra, động lực góp phần thêm để địa phương này có thể thu hút đầu tư hiệu quả, đó chính là việc khu kinh tế ven biển Quảng Yên đã được Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập và được bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam.

Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo xác định: Trong giai đoạn này đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh; đồng thời, xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ gắn với phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” là khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Mặc dù chịu tác động rất lớn do dịch Covid-19 song tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách thu hút được tại Quảng Ninh những tháng đầu năm đạt 276.088 tỷ đồng, gấp 5,1 lần kịch bản (kịch bản 53.762 tỷ đồng). Trong đó, một số dự án lớn như: Dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty Jinko Solar Hồng Kông, dự án nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà...

Thế An

Thế An

© Thời báo Tài chính Việt Nam