Cổ phiếu ngành nào sẽ hấp dẫn dòng tiền cuối năm?

18:45 | 11/08/2021 Print
Dựa trên kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, đánh giá về triển vọng các ngành trong nửa cuối năm nay, các chuyên gia của SSI Research cho biết, yếu tố lãi suất thấp và dòng tiền sẽ tác động tích cực, lan tỏa nhiều nhóm ngành như bất động sản, cảng biển, logistics, hàng không,...

Nhiều nhóm ngành sẽ hưởng lợi khi dịch Covid-19 được kiểm soát

Nhận định tại buổi tọa đàm với chủ đề “Lựa chọn cổ phiếu trong danh mục đầu tư?”, do Công ty Chứng khoán SSI tổ chức ngày 11/8, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Chuyên gia Chiến lược đầu tư SSI Research cho biết, nhìn vào bức tranh chung, định giá P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) của thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay về mức 17 lần vào thời điểm cuối tháng 7, khá hấp dẫn so với thời điểm cuối tháng 6. Mức P/E dự phóng cho cả năm 2021 là khoảng 16 lần. Dựa trên các cổ phiếu phân tích của SSI Research, P/E sẽ rơi vào khoảng 15 lần cho cả năm 2021 và 13 lần cho năm 202. “Đây đều là những con số khá hấp dẫn so với lịch sử hoạt động của thị trường.” – ông Tâm nói.

Nhận định về triển vọng các ngành từ nay tới cuối năm, chuyên gia của SSI cho rằng, triển vọng của thị trường phụ thuộc vào các câu chuyện riêng của mỗi ngành và yếu tố dòng tiền, cụ thể là chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước. Theo đó, khi lãi suất thị trường thay đổi, thì mức định giá của cổ phiếu cũng sẽ thay đổi.

Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ đưa ra những chính sách kinh tế phù hợp khác để kích thích sự hồi phục của mỗi nhóm ngành, trong đó tâm điểm là kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2021 – 2022 sẽ được đẩy mạnh.

chứng khoán
Nhiều nhóm ngành sẽ được hưởng lợi khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: Duy Dũng.

Ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, với giả thiết dịch bệnh được kiểm soát trong cuối năm nay, thì trong 3 đến 6 tháng kế tiếp sẽ có rất nhiều nhóm ngành có mức đầu tư hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, đáng chú ý trong các ngành trong giai đoạn cuối năm là nhóm cổ phiếu bất động sản. Bởi đây là ngành hưởng lợi chính từ sự tập trung mạnh mẽ vào tư công, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao kết nối giữa các vùng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Giám đốc Đầu tư SSIAM còn cho biết thêm, các nhóm ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tiêu dùng, logistics đều là những nhóm có thể có mức phục hồi đáng kể khi thị trường quốc tế được mở cửa trở lại. Theo chuyên gia này, quy mô doanh thu (đơn hàng) sẽ là yếu tố cơ bản quan trọng để lựa chọn cổ phiếu trong nhóm ngành này.

“Đơn cử như ngành dệt may, khi kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi thì nhu cầu lớn về dệt may, trước tháng 4/2021, số đơn hàng tăng lên nhanh chóng và lấp kín đến hết năm 2021. Cổ phiếu ngành này đã và đang hưởng lợi từ sự trở lại của nhu cầu cũng như sự tăng lên nhanh chóng của giá bán trên thị trường” – ông Nguyễn Đức Minh nêu minh chứng.

Một nhóm ngành tiềm năng để đầu tư được ông Nguyễn Đức Minh đưa ra là ngành hàng không. “Mặc dù đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch bệnh Covid-19, song lĩnh vực chủ chốt này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.” – ông Minh nói.

Hay về ngành thép, Giám đốc Đầu tư SSIAM cho rằng, mặc dù giá cổ phiếu thép lên đỉnh trong nửa đầu năm 2021 và hiện đang có xu hướng giảm, nhưng cơ hội vẫn còn nhờ hưởng lợi từ đầu tư công giúp tăng cầu về xây dựng và nguyên vật liệu sắt thép.

Nhà đầu tư nên chọn “chiến thuật” nào?

Chia sẻ về “chiến thuật” đầu tư với các nhà đầu tư trên thị trường, ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức của SSI cho biết, nhà đầu tư tổ chức thường có tầm nhìn dài hạn 1 - 3 năm, do đó, họ sẽ tập trung vào các yếu tố cơ bản; trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân thường quan tâm đến phân tích kỹ thuật nhiều hơn.

“Dù có góc nhìn thường ngắn hạn hơn nhà đầu tư tổ chức, song nhà đầu tư cá nhân cũng cần quan tâm đến yếu tố cơ bản, vì điều này có thể tác động lại các yếu tố kỹ thuật kháng cự, hay hỗ trợ.” – ông Nguyễn Anh Đức nói.

Còn theo ông Nguyễn Đức Minh, khi lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư tổ chức, đơn cử như quỹ mở sẽ tiếp cận từ trên xuống, cụ thể là: đánh giá yếu tố vĩ mô, tìm những doanh nghiệp đầu ngành được hưởng lợi, và dùng bộ lọc các tiêu chí để phân tích tăng trưởng. “Sau khi đưa ra giá trị hợp lý và nhà đầu tư tổ chức sẽ hành động theo các giá mục tiêu đã được thiết lập để mua - bán. Đôi khi, trong bối cảnh thị trường nhất định, hành động của nhà đầu tư tổ chức sẽ trái ngược với nhà đầu tư cá nhân.” - ông Đức Minh nói.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cũng chia sẻ thêm, nhà đầu tư cá nhân thường theo trường phái ngắn hạn, rủi ro lớn nhất là biến động thị trường. Các thông tin cơ bản sẽ ít phản ánh hơn, do đó nhà đầu tư cần xác định giá mục tiêu theo phân tích kỹ thuật, chuẩn bị điểm dừng lỗ, có thể lựa chọn phần trăm quen thuộc như 3%, 5%, 10%...

“Nhà đầu tư cần xây dựng phương pháp mua/bán phù hợp với bản thân và sử dụng những ưu thế của bản thân trong một lĩnh vực nhất định để đầu tư. Có 3 cách để nhà đầu tư lựa chọn nhóm ngành, cổ phiếu: quan sát dòng tiền lớn trên thị trường; chọn cổ phiếu theo phân tích kỹ thuật cho tín hiệu mua; tham khảo báo cáo công ty chứng khoán uy tín trên thị trường.” – ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho hay./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam