Bài 1: Chống buôn lậu: Thách thức đến từ tạo thuận lợi thương mại

10:42 | 11/08/2021 Print
(TBTCVN) - Đằng sau nhiều chuyên án lớn về chống buôn lậu, đã thể hiện mạnh mẽ vai trò chủ công, trụ cột của cơ quan hải quan, đặc biệt trong công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy. Chiến công của ngành Hải quan trên mặt trận chống buôn lậu được nối dài bởi những vụ án liên tiếp được triệt phá.

9

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ hoạ: Hồng Vân

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, công tác chống buôn lậu, nhất là ma túy của ngành Hải quan càng trở nên bức thiết, nhưng cũng không kém phần gian nan.

Thời báo Tài chính Việt Nam thực hiện loạt bài thể hiện vai trò chủ đạo của ngành Hải quan trong hoạt động chống buôn lậu. Lực lượng chống buôn lậu của ngành Hải quan đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp triệt phá các vụ buôn lậu trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới hoạt động nghiệp vụ; đồng thời, cũng đặt ra những thách thức và đưa ra giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho công tác chống buôn lậu của ngành.

Trong một sự kiện diễn ra cách đây không lâu, khi chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã ví rằng, tạo thuận lợi thương mại và chống buôn lậu, đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng chính là “hai trục xương sống” của Hải quan Việt Nam. Tạo thuận lợi thương mại là xu thế tất yếu, không thể đi ngược. Nhưng xu thế ấy lại chính là một thách thức đối với nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại của cơ quan Hải quan.

Lợi dụng sự thông thoáng

Trong thời gian qua, để thực hiện chủ trương tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành Hải quan đã rất nỗ lực trong việc cải cách, hiện đại hóa các hoạt động chuyên môn để giảm bớt thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), tiết kiệm tối đa chi phí cho doanh nghiệp (DN). Những nỗ lực này đã và đang được Chính phủ cũng như cộng đồng DN ghi nhận.

Năm 2020, lực lượng kiểm soát Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 14.984 vụ việc; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.403 tỷ đồng, tăng 45,06 % so với cùng kỳ 2019. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 486 tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2021, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 8.322 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 1.700 tỷ đồng. Thu nộp NSNN 117 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng, dễ cho DN thì sẽ khó cho cơ quan quản lý. Bằng chứng là mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng “nóng bỏng” bởi những thủ đoạn hết sức tinh vi và thay đổi liên tục. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ làm cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu có sự dịch chuyển lớn. Sự xuất hiện của dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua còn “góp phần” đẩy nhanh hơn xu thế này.

Những yếu tố này kéo theo gia tăng về nguy cơ, khiến tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, hàng không. Các đối tượng hoạt động ngày càng liều lĩnh, manh động, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm xuyên biên giới, sử dụng nhiều phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, nhất là ma túy với số lượng rất lớn, hàng có thuế suất cao, hàng giả nhãn mác xuất xứ Việt Nam,…

Theo ông Nguyễn Trường Giang – Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội, ghi nhận từ các vụ việc đã bị phát hiện cho thấy, các đối tượng trong nước, nước ngoài đã cấu kết với nhau để tổ chức thành đường dây, ổ nhóm.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; tang vật vi phạm được cất giấu tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước. Một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử để khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng,… lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đối diện áp lực

Chia sẻ về những khó khăn mà lực lượng kiểm soát hải quan phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Nguyễn Văn Lịch – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan chỉ ra 3 yếu tố, đó là: con người, phương tiện kỹ thuật và quyền hạn xử lý.

Về con người, trong bối cảnh cắt giảm đầu mối, tinh giản biên chế, lực lượng kiểm soát hải quan ngày càng mỏng. Với đường biên giới kể cả đường bộ lẫn đường biển đều kéo dài, việc trải đều lực lượng để đấu tranh là rất khó. Khi con người có hạn thì sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại là hết sức cần thiết để kiểm soát được buôn lậu tốt hơn. Tuy nhiên, để được trang bị đủ số thiết bị theo nhu cầu là việc không hề dễ. Tiếp đó là cơ sở pháp lý, quyền hạn của hải quan vẫn còn hạn chế, chưa đủ mạnh để đấu tranh, xử lý các vụ việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là khi khởi tố điều tra vụ án, sẽ thiếu tính răn đe.

Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại là việc phải làm nhưng áp lực từ nhiệm vụ tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương cũng rất lớn khi lượng hàng hóa cũng như kim ngạch XNK ngày càng tăng. Áp lực này càng “nặng nề” hơn khi dịch Covid-19 bùng phát đặt ra thêm bài toán tạo thuận lợi hơn nữa để hỗ trợ DN vượt khó trước các tác động tiêu cực.

“Lúc này, điều cần nhất chính là sự phối hợp chặt chẽ theo chuỗi của tất cả các lực lượng chức năng liên quan, từ khâu ngăn chặn, khâu khám xét, bắt giữ, đến khâu điều tra xử lý. Chúng ta không chỉ phải đấu tranh với các đối tượng buôn lậu mà còn phải quan tâm đến vấn đề liêm chính hải quan” – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu nhấn mạnh.

Một số vụ việc điển hình

Ngày 17/7/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã phối hợp với các lực lượng kiểm tra 1 container hàng được vận chuyển từ Nam Phi về Cảng Tiên Sa, phát hiện có chứa 3.176,04 kg xương động vật và 138,784 kg sừng động vật (nghi là sừng tê giác).

Tháng 4/2021, Cục Hải quan TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan lập và phá thành công chuyên án mang bí số HC421. Chuyên án đã “tóm gọn” đường dây tội phạm vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam bằng đường hàng không và hàng được giao tại nhiều địa phương trong cả nước.

Kết quả, lực lượng chức năng thu giữ 127,5kg ma túy tổng hợp và ketamine; đã bắt và tạm giữ 19 đối tượng, triệt phá 8 đường dây vận chuyển ma túy ở Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 19/5/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C04 (Bộ Công an) phối hợp thực hiện Chuyên án HK668 bắt giữ 4 đối tượng (3 đối tượng quốc tịch Trung Quốc, 1 đối tượng quốc tịch Việt Nam), thu giữ khoảng 280,85 kg ketamine, 6 vỏ máy mô tơ chứa ma túy…

Đón đọc Bài 2: Covid-19: Mùa của buôn lậu “biến tướng”

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam