Chương trình mới lớp 1: Chất lượng học sinh nổi trội hơn

16:15 | 12/08/2021 Print
Chất lượng học sinh lớp 1 năm học vừa qua có phần nổi trội hơn lứa học sinh lớp 1 học chương trình cũ. Một số điểm nổi trội được ghi nhận là tỷ lệ học sinh đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1 của lớp 1 chiếm đa số.

dv

Chất lượng học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 có phần nổi trội hơn. Ảnh: T.L

Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục tiểu học. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GDĐT, 63 điểm cầu tại các sở GDĐT và hơn 700 điểm cầu đến các phòng GDĐT cấp quận, huyện.

Theo Bộ GDĐT, năm học 2020 - 2021 là năm đặc biệt với ngành giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 1.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành gửi về Bộ GDĐT, chất lượng học sinh lớp 1 năm học vừa qua có phần nổi trội hơn lứa học sinh lớp 1 học chương trình cũ. Một số điểm nổi trội được ghi nhận là tỷ lệ học sinh đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1 của lớp 1 chiếm đa số.

Với phương pháp dạy học mới nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, các báo cáo cho biết học sinh lớp 1 tự tin, mạnh dạn, có khả năng tương tác tốt trong các nhóm học tập và với giáo viên.

Năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 1 đúng vào thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến các nhà trường không có 2 tuần đệm để học sinh lớp 1 làm quen với trường, lớp, nề nếp, dẫn tới sự lúng túng trong triển khai dạy học ở thời kỳ đầu.

Một số trường chưa thực hiện đúng yêu cầu về sự chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường dẫn tới việc áp dụng cứng nhắc các bài học đối với học sinh lớp 1. Học sinh bị quá tải, áp lực là khó khăn lớn đối với trường tiểu học ở nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa mới có những điểm bất cập không được phát hiện, khắc phục trong thời gian tập huấn sử dụng sách khiến dư luận hoang mang lo lắng về chất lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Do dịch bệnh nên việc tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới cũng bị chậm tiến độ. Nhiều giáo viên còn hiểu chưa thấu đáo về chương trình mới, chưa có khả năng linh hoạt trong việc dạy học để khắc phục khó khăn.

Những bất cập trên đã được Bộ GDĐT nắm ngay trong quá trình triển khai và đã có những điều chỉnh trong năm học. Trong đó, có việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để thực hiện chương trình mềm dẻo, linh hoạt hơn trong các điều kiện khác nhau của nhà trường, mức độ tiếp nhận khác nhau của học sinh là điểm quan trọng được chỉ đạo rốt ráo.

Việc điều chỉnh các bất hợp lý trong sách giáo khoa, hướng dẫn giáo viên sử dụng các ngữ liệu thay thế phù hợp trên cơ sở bám sát yêu cầu của chương trình cũng được thực hiện ngay trong năm học.

Bên cạnh đó, việc đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai CT GDPT 2018. Một số địa phương dù đã rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên; có nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên./.

Năm học 2020 - 2021, cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước. Tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27.
Hiện nay, toàn quốc có 406.636 giáo viên cấp tiểu học, tăng 6.140 so với năm học trước. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản bảo đảm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam