Bài 3: Dấu ấn từ những chuyên án “khủng”

16:35 | 15/08/2021 Print
(TBTCVN) - Trên mặt trận chống buôn lậu không thể không nhắc đến lực lượng Hải quan với vai trò chủ đạo và những chiến công lẫy lừng nối dài, những vụ án “khủng” liên tiếp được triệt phá trong thời gian qua.

9

Nguồn: Cục Điều tra chống buôn lậu Đồ họa: Hồng Vân

>> Bài 1: Chống buôn lậu: Thách thức đến từ tạo thuận lợi thương mại

>> Bài 2: “Mùa vụ” của buôn lậu biến tướng

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, công tác chống buôn lậu gặp không ít thách thức, song bất chấp khó khăn, gian nan, ngành Hải quan vẫn chặn đứng nhiều vụ buôn lậu xuyên quốc gia, qua đó góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Trong 5 năm, triệt phá gần 80.000 vụ buôn lậu

Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong 5 năm trở lại đây (2016 – 2020), toàn ngành Hải quan đã triệt phá gần 80.000 vụ buôn lậu, xử phạt hơn 77.000 vụ việc, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến hơn 10.450 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước gần 1.832 tỷ đồng.

Trong đó, lần lượt các năm, lực lượng Hải quan đều tự hào với rất nhiều chuyên án “khủng” được triệt phá liên tiếp. Năm 2016, Cục Điều tra chống buôn lậu tham gia phối hợp với các đơn vị thuộc C46 - Bộ Công an tổ chức đấu tranh chuyên án về hoạt động buôn lậu xăng dầu tại Chi cục Hải quan Bình Thuận, hàng hóa khai báo trên tờ khai là 1.877,562 tấn xăng RON 92, với trị giá hơn 804.265 USD. Toàn bộ lô hàng phát giác được vận chuyển từ Singapore về Việt Nam với trị giá ước tính theo giá thị trường khoảng hơn 202 tỷ đồng.

Năm 2017, lực lượng Hải quan đã thành công vang dội với Chuyên án đấu tranh hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã tại sân bay quốc tế Nội Bài. Theo đó, chặn đứng 52 kg sừng tê giác, hơn 450 kg vảy tê tê được vận chuyển trên chuyến bay có hành trình từ Kenya về Việt Nam. Năm 2018, cơ quan Hải quan phát hiện vụ việc Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam với khối lượng khủng lên hơn 101 nghìn tấn, trị giá hơn 55 tỷ đồng. Tiếp đó, năm 2019, một vụ việc “khủng” gây chấn động: lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện và ngăn chặn núi nhôm Trung Quốc lên đến 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt định đi Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đến năm 2020, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện tàu CHUNG CHING có 22 thuyền viên là người nước ngoài, vận chuyển khoảng 8.549 kiện, tương đương hơn 4,2 triệu bao thuốc lá điếu các loại. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành Hải quan tiếp tục ghi dấu ấn trên mặt trận chống buôn lậu bằng một chuyên án “khủng” về ma túy. Đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia do đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc cầm đầu với các chiêu thức cất giấu tinh vi trong dạ dày lợn, mô tơ điện đã bị phanh phui, qua đó thu giữ 270 kg ketamine.

Tăng cường công tác phối hợp trong bối cảnh mới

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Anh – Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho hay, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, căng thẳng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải… Trong nước áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh: thắt chặt việc kiểm soát an ninh đường biên giới, hạn chế việc xuất nhập cảnh đối với người và phương tiện, thực hiện giãn cách xã hội... Phía ngoại biên, Chính phủ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam là Trung Quốc, Lào, Campuchia đều có những chính sách tăng cường kiểm soát nhằm ngăn ngừa lây lan dịch Covid-19 và chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; số lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu giảm… Bối cảnh đó đã làm cho tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm song mức độ phức tạp và tinh vi của các vụ việc buôn lậu lại gia tăng.

“Mặc dù số vụ việc đã giảm nhẹ nhưng hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi bởi nhiều công nghệ tiên tiến, thay đổi biến hóa khó lường và diễn biến hết sức phức tạp. Các điểm chứa hàng hóa dọc theo biên giới vẫn duy trì hoạt động, chờ cơ hội thuận lợi để nhanh chóng vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới; vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh gia tăng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn, an ninh”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng đã phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ, nhất là Hải quan - Biên phòng đã không ngừng “bắt tay“ tạo thành các mũi giáp công nơi biên giới để đấu tranh với tội phạm buôn lậu. Song song với đó, Hải quan cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quản lý thị trường để tạo thành một hệ thống quản lý, giảm sát thông suốt từ cửa khẩu cho đến thị trường nội địa nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác chống buôn lậu.

Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Kiểm lâm, Quản lý thị trường... tăng cường công tác chia sẻ, thu thập xử lý thông tin, nắm tình hình, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, kịp thời xác lập chuyên án, tuần tra kiểm soát, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và đẩy lùi hoạt động buôn lậu trong bối cảnh mới.

* Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường:
Phối hợp, ngăn chặn kịp thời các hoạt động nhập lậu hàng hóa

Công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu luôn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an… Từ chia sẻ thông tin, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đến việc thanh kiểm tra đối với các tuyến trọng điểm…nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về nội địa để tiêu thụ.

* Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia:
Lực lượng Hải quan và Biên phòng tăng cường quân số kiểm soát khu vực biên giới

Trong cuộc chiến chống buôn lậu cần phải đảm bảo có sự phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ và hiệu quả từ cửa ngõ biên giới cho đến thị trường nội địa. Đặc biệt, trước tình hình nhiều đối tượng lợi dụng dịch Covid-19 kéo dài để tăng cường hoạt động buôn lậu với các thủ đoạn ngày một tinh vi hơn. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi sự chủ động, tích cực phối hợp của các lực lượng. Thời gian qua, lực
lượng Hải quan và Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ và tăng cường quân số để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới nhằm ngăn chặn việc xuất nhập cảnh trái phép cũng như buôn lậu hàng hóa qua biên giới…

Thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu cho thấy, trong 5 năm qua, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng nêu trên phát hiện, bắt giữ 3.112 vụ vi phạm với 2.100 đối tượng, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 203,173 tỷ đồng. Trong đó chủ trì, phối hợp với Bộ đội biên phòng tổng số 1.358 vụ với 927 đối tượng; Công an là 1.225 vụ với 881 đối tượng; Cảnh sát biển 9 vụ với 7 đối tượng và Quản lý thị trường là 102 vụ với 69 đối tượng; các lực lượng chức năng khác là 418 vụ với 216 đối tượng.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam