Chỉ vay trong khả năng trả nợ

09:58 | 18/08/2021 Print
(TBTCVN) - Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Cần các giải pháp quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công, làm động lực cho tăng trưởng.

Cần các giải pháp quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công, làm động lực cho tăng trưởng.

Theo các chỉ tiêu này, trần nợ công hàng năm và trần nợ Chính phủ giảm so với giai đoạn trước. Chính phủ khẳng định, để đảm bảo an toàn nợ công, chỉ vay trong khả năng trả nợ.

Đảm bảo nghĩa vụ trả nợ không quá 25% tổng thu ngân sách

Kế hoạch nêu rõ, tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148.000 tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (NSNN); nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.

Để bảo đảm an toàn nợ công, Quốc hội đặt mức trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP; ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ chính phủ hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP.

Như vậy, so với Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trần nợ công hàng năm giảm từ mức 65% xuống 60% GDP, trần nợ chính phủ giảm từ 54% GDP xuống 50% GDP.

Trước đó, cho ý kiến tại Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) tính toán, nếu 5 năm 2021 - 2025 đầu tư công là 2,87 triệu tỷ đồng thì kế hoạch chi ngân sách trong giai đoạn này sẽ lên con số là 10,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với số tiền chi trong giai đoạn 5 năm trước và dẫn đến bội chi khoảng 1,96 triệu tỷ đồng, chiếm 3,7% GDP. “Vấn đề ở đây là chúng ta phải tính xem bội chi này chúng ta lấy ở đâu?” - ông Ngân đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Quốc hội giao Chính phủ phải đảm bảo tính theo từng năm nghĩa vụ trả nợ không quá 25% tổng thu ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, bình quân trong giai đoạn này, nghĩa vụ trả nợ là 20,7% tổng thu ngân sách. Trong điều hành, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh chính sách tài khoá, tăng thu, tiết kiệm chi và cơ cấu lại nguồn nợ để đảm bảo theo quy định giới hạn 25%.

Chỉ đầu tư cho các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa

Được biết, trong giai đoạn tới đây, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư cho những công trình trọng điểm, công trình có hiệu quả lớn và có tính chất lan tỏa, đột phá.

Định hướng công tác tài chính quốc gia trong 5 năm tới, Quốc hội yêu cầu Chính phủ từng bước cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội… theo quy định của pháp luật.

Trước đó, báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng khẳng định, việc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển; chỉ chi NSNN trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ; kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng, rà soát các khoản bảo lãnh mới, bảo đảm đúng quy định và hiệu quả.

Trong việc vay trả nợ, Quốc hội yêu cầu đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước, nước ngoài. Việc phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, kết hợp linh hoạt phát hành một số kỳ hạn dưới 5 năm để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và phát triển thị trường TPCP; phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt từ 9 - 11 năm; tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ TPCP. Đồng thời, Chính phủ cần nâng cao tỷ trọng vay ngoài nước hỗ trợ ngân sách chung để tăng tính chủ động trong quản lý sử dụng vốn vay; bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ và hệ số tín nhiệm quốc gia.

Cùng với đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ cần thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ chính phủ và nghĩa vụ trả nợ; gắn kết tỷ lệ bội chi NSNN và tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách trong điều hành NSNN hàng năm. Chính phủ không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án mới khi không cân đối được nguồn. Trường hợp các chỉ tiêu nợ công chạm ngưỡng cảnh báo, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình, giải pháp kiểm soát đặc biệt quản lý nợ công.

Cho ý kiến về kế hoạch vay, trả nợ công của Chính phủ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án trình Chính phủ và cho rằng, Chính phủ thời gian qua đã nỗ lực, quản lý nợ công đạt những dấu ấn, kết quả rất đáng ghi nhận và trân trọng.

“Quan trọng là vay làm gì và làm như thế nào”

Theo đại biểu Quốc hội Lê Kim Toàn (Bình Định), nhiệm kỳ qua đã điều hành quản lý an toàn nợ công, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Đây là dấu ấn hết sức quan trọng trong quản lý và điều hành ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020. Phân tích rõ hơn, vị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho hay, khi đất nước có nhu cầu phát triển nhưng nguồn vốn hạn hẹp, đi vay để đầu tư là bình thường. “Bàn về vay nợ, không phải là vay nhiều hay ít mà điều quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay. Vốn vay thì phải trả. Điều quan trọng là phải đảm bảo trả nợ cả gốc và lãi vay, chứ không đặt vấn đề quá nặng vay bao nhiêu, mà điều cần quan tâm là vay làm gì và làm như thế nào” - ông Lê Kim Toàn nói. Bởi trên thực tế, tại nhiều quốc gia phát triển vẫn vay để đầu tư, số vay nợ công của một số nước so với GDP rất cao nhưng vẫn giữ được an toàn an ninh tài chính quốc gia.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam