Vắc-xin niềm tin

09:32 | 18/08/2021 Print
(TBTCVN) - Một tổ công tác, có tính chất như một “Tổ đặc nhiệm” về ngoại giao vắc-xin của Chính phủ đã được Thủ tướng thành lập.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà tại Điểm cung ứng hàng thiết yếu phục vụ cộng đồng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà tại Điểm cung ứng hàng thiết yếu phục vụ cộng đồng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 13/8/2021.

Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ các đối tác song phương và đa phương; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần triển khai.

Bối cảnh vận động, tiếp cận các nguồn vắc-xin, thuốc, trang thiết bị y tế trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều do sự nguy hiểm của các biến chủng mới khiến tình trạng khan hiếm vắc-xin toàn cầu ngày càng gay gắt. Trong khi đó, nhu cầu trong nước hiện nay hết sức cấp bách. Tổ công tác đặt mục tiêu phấn đấu có được số lượng vắc-xin càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt, đặc biệt là có ngay trong tháng 8 và tháng 9; nỗ lực cao nhất, thần tốc nhất, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành để vận động cho ngoại giao vắc-xin qua các kênh song phương và đa phương.

Người dân đang rất mong mỏi được tiêm vắc-xin để có đủ sức chiến đấu với “giặc”. Nhưng không chỉ có vậy, những liều “vắc-xin” niềm tin cho người dân lúc này cũng là đòi hỏi không kém phần cấp bách. “Vắc-xin” niềm tin không thể mua được bằng tiền và con đường ngoại giao. Muốn có “vắc-xin” niềm tin cho dân, không còn cách nào khác, hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương phải thực sự hết lòng vì dân phục vụ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với tình cảm, trách nhiệm và cả kinh nghiệm chống dịch của ông khi là Thủ tướng, đã chia sẻ với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… rằng, muốn người dân tin vào chính quyền, thì càng lúc khó khăn, càng phải lắng nghe, thấu hiểu và phản ứng chính sách kịp thời, phải đặt mình vào vị trí của người dân để ra chính sách, đồng cam cộng khổ cùng dân.

“Đừng đứng trên dân, đừng áp đặt, mà phải thuyết phục, vận động, như ông cha ta vẫn bảo là nói phải củ cải cũng nghe” - Chủ tịch nước nói - “Liên quan đến dân, việc gì cũng phải cụ thể, kịp thời, không nói chung chung thì người dân mới thấy được chia sẻ. Giải quyết phải có tình, có lý, không để đốm lửa nhỏ bùng thành đám cháy lớn, gây mất niềm tin trong dân”.

Hệ thống chính quyền phải thực sự hết lòng vì dân

Những liều “vắc-xin” niềm tin cho người dân lúc này cũng là đòi hỏi không kém phần cấp bách. “Vắc-xin” niềm tin không thể mua được bằng tiền và con đường ngoại giao. Muốn có “vắc-xin” niềm tin cho dân, không còn cách nào khác, hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương phải thực sự hết lòng vì dân phục vụ.

Như thực tế vào tháng 4/2016, khi vừa được Quốc hội bầu giữ cương vị Thủ tướng, có một sự việc mà dư luận coi đó chỉ “nhỏ như cái móng tay”, nhưng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo giải quyết ngay và luôn. Đó là Quán phở cà phê Xin Chào, một hộ kinh doanh rất nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ mắc oan pháp đình. Sự việc này đến tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức có yêu cầu ngừng hình sự hóa theo đúng quy định pháp luật, theo đúng chức năng của cơ quan có thẩm quyền. Ông không coi đó là việc “nhỏ như cái móng tay”, bởi nếu không được xử lý kịp thời, sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù oan. Bắt đầu giải quyết từ việc tưởng là “nhỏ như móng tay” này, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã là một nhiệm kỳ ghi dấu sự phát triển rực rỡ của cả cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang thể hiện sự nỗ lực rất cao trong lắng nghe, thấu hiểu người dân. Nghe tin về vụ việc 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu dẫn đến một người dân tử vong, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ; đồng thời khẩn trương rà soát, chấn chỉnh ngay công tác tiếp nhận và cấp cứu đối với bệnh nhân. Hay như khi nghe tin có trường hợp tiêm vắc-xin không đúng đối tượng ưu tiên, không phải đăng ký, có thể dẫn đến bất bình đẳng trong tiêm vắc-xin, Thủ tướng cũng lập tức yêu cầu làm rõ, không để hoài nghi trong dư luận…

Nhanh tay “tháo ngòi”

Giữa đại dịch căng thẳng chưa từng có, đã có không ít chính sách được chính quyền địa phương ban hành khá là nóng vội, thậm chí đến mức nhiều luồng ý kiến trong dư luận xã hội cho rằng đó không khác nào mang xăng đi cứu hỏa.

Tuy vậy, điều rất đáng mừng là sự bức xúc này nhanh chóng được “tháo ngòi”. Nhanh tay “tháo ngòi” bức xúc, chính quyền các cấp đã và đang góp “nguồn lực” đáng kể cho việc cung cấp những liều “vắc-xin” niềm tin cho người dân. Như ở Hà Nội, chỉ sau 24 giờ thực thi quy định người đi đường phải xuất trình ít nhất 4 loại giấy tờ, UBND TP. Hà Nội đã sửa quy định này khi lắng nghe phản hồi từ người dân.

Tại tâm bão dịch của cả nước là TP. Hồ Chí Minh (TPHCM), chính quyền cũng rất nhanh tay trong việc “tháo ngòi”. Quyết định hỗ trợ 17 triệu đồng chi phí mai táng cho các trường hợp mất vì Covid-19 tại TPHCM được UBND TPHCM nhanh chóng ban hành, Bộ Tư lệnh TPHCM cũng đảm trách việc tiếp nhận tro cốt của người mất để giao về các gia đình, ngay sau khi có thông tin “cò” làm loạn giá tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.

1 triệu túi an sinh cũng được lãnh đạo địa phương này quyết ngay lập tức để thuyết phục người dân ngừng di chuyển khi TPHCM ra quyết định giãn cách đến 15/9. Túi an sinh gồm những sản phẩm thiết thực như gạo, mì gói, gia vị, khẩu trang y tế, thuốc men thông dụng, đủ cho người dân sử dụng trong một tuần. Túi an sinh được trao cho công nhân, sinh viên, người lao động tự do đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo…

Ngày sau ra sao?

Đoàn kết, đại đoàn kết để đẩy lùi Covid-19, nhưng hậu đại dịch, ngày sau sẽ ra sao? Đây cũng là câu hỏi lớn được đặt ra ở Nghị trường hồi cuối tháng 7 và cũng là lý do khiến cho khi Chính phủ báo cáo Quốc hội rằng chống dịch phải là mục tiêu được ưu tiên đặt lên hàng đầu, thì Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra báo cáo này, có nhấn nhá việc chống dịch là “mục tiêu ưu tiên”, nhưng không nhắc đến đó là “mục tiêu hàng đầu”. Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên.

Nền kinh tế có dấu hiệu “ngã gục” khi đụng đâu cũng gặp trùng trùng áp lực. Mô hình doanh nghiệp “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ) chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, đã phải tính chuyện thoái lui. Ở nơi là bệ đỡ của nền kinh tế là nông nghiệp, nông sản gặp khủng hoảng khi hàng triệu tấn rau củ, hàng trăm triệu quả trứng, hàng tấn thịt gà, thịt lợn, hải sản,... của 26 tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên tắc đường tiêu thụ do 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội.

Dịch bệnh tấn công vào các khu công nghiệp khiến các doanh nghiệp ngoại bắt đầu thấy “ngại” Việt Nam. Qua 7 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Số dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm tới 37,9%. Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào trung tuần tháng 7/2021 cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.

Sau nhiều ngày ra các văn bản chỉ đạo chủ yếu tập trung cho việc kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ cấp tập tính cách khôi phục nền kinh tế. Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 vừa được ban hành quyết tâm nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Công điện số 1082 của Thủ tướng về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đã được phát đi. Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đang được gấp rút hoàn thiện để ban hành trong thời gian sớm nhất. Nghị quyết này được hoàn thiện trên tinh thần kiên trì, quyết liệt, phòng chống đại dịch Covid-19 theo phương châm "chống dịch như chống giặc", hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Trong triển khai thực hiện tuân thủ nguyên tắc “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước và doanh nghiệp…

Với câu hỏi “ngày sau ra sao”, Chính phủ đang dốc lực để mang đến câu trả lời là: Không có khủng hoảng y tế; không có khủng hoảng kinh tế - xã hội; đời sống của người dân tiếp tục được chăm lo, đảm bảo, không ai bị bỏ lại phía sau.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam