Cải thiện môi trường kinh doanh lúc này cũng cần như vắc-xin

16:38 | 19/08/2021 Print
Trước yêu cầu khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch, thì việc cải cách môi trường kinh doanh càng trở nên cấp bách hơn. Một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng sẽ là yếu tố không thể thiếu để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

TT

Đây là quan điểm được nhấn mạnh tại hội thảo "Cải cách môi trường kinh doanh 2014 - 2020: Kết quả, bài học kinh nghiệm và kiến nghị", diễn ra sáng 19/8 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Chủ trì hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho biết, hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 - 2020; trao đổi về những vấn đề vướng mắc, bất cập ảnh hưởng tới chất lượng môi trường kinh doanh và đề xuất, kiến nghị.

Quyền tài sản là điểm nghẽn lớn trong cải cách

Trình bày về kết quả đạt được thời gian qua, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho rằng, từ năm 2014, các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã liên tục đi lên, với quyết tâm chính trị cao từ Chính phủ và sự tham gia ngày càng tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Năng lực cạnh tranh được cải thiện tích cực trên nhiều khía cạnh như ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ phát triển kinh doanh, đổi mới sáng tạo, quy mô thị trường. Tình trạng tham nhũng được kiểm soát tốt hơn dù vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực, và cách xa mục tiêu vào top ASEAN 4. Trong đó, một nhóm chỉ số quan trọng mà nhiều năm vẫn ở hạng rất thấp là quyền tài sản và chất lượng hành chính đất đai. Theo Doing Business, chỉ số Đăng ký tài sản nhiều năm nay không có cải cách nào được ghi nhận và đã giảm 31 bậc sau 6 năm, đứng gần chót bảng xếp hạng (106/120). "Có thể nói quyền tài sản là một điểm nghẽn lớn về cải thiện môi trường kinh doanh trong nhiều năm qua", TS. Minh Thảo nói.

Nhận xét về quá trình cải cách thời gia qua, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, đây là chương trình cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên tục, rộng lớn, toàn diện và đạt được kết quả chưa từng có; quy mô, mức độ và tính quyết liệt của cải cách lần này lớn hơn nhiều so với trước. Việc cải cách không chỉ để thăng hạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu, mà quan trọng hơn là bãi bỏ thực chất hàng ngàn vướng mắc, các rào cản đối với hoạt động kinh doanh; làm cho môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi.

Để có những thành công này, là do có cam kết chính trị mạnh mẽ; có chỉ đạo quyết liệt, liên tục và hệ thống của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đó tạo được áp lực liên tục cho cải cách và thay đổi. Cùng với đó là sự năng động, sáng tạo trong thiết kế và thực thi các nghị quyết.

Doanh nghiệp cần cải cách như cần vắc-xin

Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng CIEM cũng đánh giá kết quả về cơ bản chưa đạt được các mục tiêu của nghị quyết, kết quả cải cách chưa đồng đều. Đáng chú ý, những lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Chính phủ như giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp hầu như không có bất kỳ cải thiện nào trong 5 năm qua. Do đó, vị trí xếp hạng và điểm số của Việt Nam đã giảm xuống.

"Chỉ Chính phủ thực hiện thôi thì chưa đủ, Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao cần thực sự vào cuộc quyết liệt cùng Chính phủ thực hiện thì cải thiện môi trường kinh doanh mới thực sự thành công", TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Tại hội thảo, một số ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp lo lắng rằng dường như quá trình cải cách đang chững lại, trong khi đây là thời điểm mà theo kinh nghiệm thế giới là tận dụng cơ hội từ khủng hoảng để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. "Cải thiện môi trường kinh doanh với doanh nghiệp lúc này cũng cần như vắc-xin", ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhấn mạnh.

Cũng như nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề khác, việc tổ chức sản xuất và không để rơi vào đứt gãy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng đang khá nan giải với các doanh nghiệp ngành thủy sản. Để không đứt gãy, duy trì được sản xuất an toàn lúc này cần được sự thống nhất, thông suốt và sự đồng hành của chính quyền với những quy đinh phù hợp thực tiễn, không quá cực đoan vì chống dịch và giảm tối đa những thủ tục, những chi phí có thể giảm cho doanh nghiệp như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

"Lúc này tất cả ưu tiên tập trung cho chống dịch, đẩy lùi Covid là đúng nhưng không vì thể mà bỏ quên cải cách. Thúc đẩy cải cách phải được ưu tiên sau chống dịch", đại diện VASEP đề nghị.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, trước yêu cầu khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch, thì nhu cầu cải cách lại trở nên cấp bách hơn. Một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột phá và sáng tạo sẽ là yếu tố không thể thiếu để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia chắc chắn vẫn là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Chính phủ.

"Khủng hoảng kinh tế có thể tạo ra môi trường chính trị thuận lợi cho những cải cách thể chế cơ bản và có hệ thống. Chính phủ cần tận dụng khủng hoảng đại dịch Covid-19 để thực hiện các cải cách như thế", TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng rất nhiều ở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc duy trì thành quả của cải cách là rất quan trọng để tiếp nối các thành công đã có. Các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục được duy trì thường xuyên và đủ mạnh…

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam