Covid-19 là chất xúc tác thúc đẩy tốc độ thay đổi của doanh nghiệp

14:21 | 31/08/2021 Print
Theo báo cáo “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi” vừa được Deloitte công bố, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng mỗi doanh nghiệp cũng đang tự tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó dần dần phục hồi và phát triển.

DN

Ngoài Covid-19, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kế hoạch ứng phó với sự kiện "thiên nga đen". Ảnh minh họa

Báo cáo của Deloitte được thực hiện dựa trên khảo sát của 2.750 lãnh đạo doanh nghiệp (DN) tư nhân trên 33 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khảo sát được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3/2021- giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp khắp nơi trên thế giới.

Tốc độ thay đổi của các doanh nghiệp tăng nhanh

Báo cáo của Deloitte cho thấy, các lãnh đạo DN tư nhân ở khắp nơi trên thế giới tận dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 như một chất xúc tác, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh. “Khi thế giới hoạt động chậm lại do đại dịch, tốc độ thay đổi của các DN tăng nhanh lên”- báo cáo nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Deloitte Private (Deloitte Việt Nam), từ kết quả của báo cáo và theo quan sát cho thấy, có nhiều điểm tương đồng giữa cách mà các nhà lãnh đạo DN trên thế giới và Việt Nam xác định lại ưu tiên và hành động trong giai đoạn này.

Ví dụ, các nhà lãnh đạo đều cho rằng mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển DN trong giai đoạn khó khăn này là phải nâng cao năng suất lao động và họ tin là việc này có thể thực hiện tốt. Về việc chuyển đổi số, tuy là chỉ là ưu tiên thứ hai trong giai đoạn này, nhưng sẽ là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu và sẽ không còn là sự lựa chọn của DN nếu muốn tăng trưởng.

Ông Minh cho biết, tại Việt Nam, thực hiện chuyển đổi số ở phần lớn các DN đang dừng ở mức chuyển đổi nhận thức. Nhiều DN cho rằng việc chuyển đổi số gặp nhiều trở ngại do có nhiều thách thức về công nghệ và ngân sách dành cho việc chuyển đổi số.

Qua kinh nghiệm tư vấn của Deloitte, những DN chuyển đổi số thành công thường bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của lãnh đạo; sau đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng (như xây dựng quy trình vận hành, quy chế DN); đào tạo nhân sự; công nghệ là yếu tố tính đến cuối cùng.

Cũng theo ông Minh, trong quá trình làm việc với DN, ông nhận thấy mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng mỗi DN cũng đang tự tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó dần dần phục hồi và phát triển. Hầu hết các DN còn tồn tại đều chấp nhận thực tại và đang có nhiều thay đổi tích cực.

Quản trị nguồn vốn xã hội tạo sức bền để tồn tại

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, câu hỏi các DN còn tồn tại đều đang quan tâm là làm sao để phát triển bền vững trong đại dịch? Chia sẻ về vấn đề này, ông Ivan Phạm – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Dịch vụ quản trị rủi ro (Deloitte Việt Nam) cho rằng, để phát triển bền vững, cần có quản trị DN bền vững.

“DN không thể phát triển bền vững, nếu không biết DN đối mặt với rủi ro nào. Câu chuyện đầu tiên cần là phải quản trị rủi ro”- ông Ivan Phạm nhấn mạnh.

Theo quan sát của mình, ông Ivan Phạm cho biết, tại Việt Nam, còn nhiều DN chưa có cơ chế để đánh giá, xử lý, giám sát tất cả những rủi ro. Những DN đã có khung quản trị thì mới ở góc độ theo kinh nghiệm và tự phát– đây đã là một điểm yếu.

Hiện nay, DN đang phải đối mặt với Covid-19, sự kiện “thiên nga đen” – sự kiện chưa thấy. Xét ở góc độ quản trị rủi ro, đa số DN Việt chưa trưởng thành, chứ chưa nói đến câu chuyện xử lý những sự kiện như thiên nga đen. Khi Covid-19 xảy đến, một số DN đã có khung quản trị DN tốt rồi nhưng điều đó là chưa đủ.

Ông Ivan Phạm cho rằng, không chỉ tại Việt Nam, mà cả các nước trên thế giới, các DN cần xác định tiếp theo trong 36 tháng tới, DN đã có kế hoạch phục hồi sau sự cố chưa? Theo ông, để phát triển bền vững, DN cần có: quản trị rủi ro DN, quản trị khủng hoảng, kế hoạch hoạt động liên tục và kế hoạch khôi phục sự cố.

Ở một góc nhìn khác, bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam còn nhấn mạnh tới nguồn vốn xã hội.

Theo bà, từ trước đến nay, nguồn vốn xã hội bị đặt ra bên ngoài. Khi nhắc tới nguồn vốn, DN chỉ tập trung nói đến nguồn vốn tài chính, sau đó nguồn lực con người. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa DN với các đối tác – trước đây thuần túy là mối quan hệ thương mại, thì giờ là mối quan hệ mang tính chất nguồn lực xã hội.

Mối quan hệ giữa người lao động với chủ DN trước đây là mối quan hệ lao động giờ là mối quan hệ có giá trị. Những mối quan hệ đó cấu thành nên nguồn vốn xã hội. Những nguồn vốn vẫn tạo ra giá trị, nhưng không phải là giá trị tài chính, mà là những giá trị để DN vẫn còn đứng vững.

“Ứng xử trong khủng hoảng chính là sự hài hòa lợi ích. Ở đây là cam kết của người lao động cao hơn ngay cả khi họ không có lương, sẵn sàng quay trở lại, hay với các đối tác khác ngay cả khi đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy chuỗi giá trị. Tất cả DN hiện nay, hơn lúc nào hết cần có quản trị nguồn vốn xã hội để tạo sức bền để tồn tại, ứng phó và sức bật để phát triển”- bà Hà nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các DN ở tất cả khu vực đều cho rằng, tài trợ của Chính phủ để bù đắp các tác động của đại dịch đến nền kinh tế là hình thức hỗ trợ quan trọng nhất để tạo điều kiện hỗ trợ DN tăng trưởng.

“Theo quan sát của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ để nâng cao sức chống chịu của khu vực DN. Sắp tới đây, Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị quyết hỗ trợ và phát triển DN giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chính phủ Việt Nam hay Chính phủ các nước trên thế giới đều đồng hành cùng DN trong thời kỳ này”- ông Tuấn nhận định.


Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam