Doanh nghiệp tư nhân thịnh vượng, đất nước mới thịnh vượng

16:12 | 01/09/2021 Print
(TBTCVN) - Để đạt mục tiêu trở thành nước hùng cường, thịnh vượng vào dịp kỷ niệm 100 năm nước nhà độc lập, điều kiện tiên quyết là phải phát triển lực lượng kinh tế tư nhân mạnh mẽ, xây dựng đội ngũ doanh nhân thịnh vượng và có trách nhiệm xã hội.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô của Vingroup – một trong những thương hiệu Việt

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô của Vingroup – một trong những thương hiệu Việt lọt vào danh sách Forbes Global năm 2021.

Đây là quan điểm được TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với phóng viên TBTCVN, nhân dịp ngày Quốc khánh 2/9.

PV: Trong không khí kỷ niệm ngày độc lập của đất nước, ông có cảm nghĩ gì về vai trò của doanh nhân trong sự độc lập, tự chủ của quốc gia?

TS. Vũ Tiến Lộc

TS. Vũ Tiến Lộc

TS. Vũ Tiến Lộc: Ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến vai trò của tư sản dân tộc. Nói về sự mất độc lập của đất nước, Bác nói đến việc thực dân Pháp “không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”. Như vậy, các nhà tư sản dân tộc lớn mạnh chính là một yếu tố của độc lập.

Sau Ngày Độc lập, vào ngày 19/9/1945, tư sản dân tộc là giới chức đầu tiên được Bác tiếp xúc với tư cách là khách mời tại Phủ Chủ tịch. Ngày 13/10, Bác đã viết thư cho giới doanh nhân, trong đó nêu rõ: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”, “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”.

Có thể thấy ngay từ khi lập quốc, Bác đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân với công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Những ngày qua, dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng giới doanh nhân vẫn đi đầu, sẵn sàng đóng góp kịp thời để hỗ trợ Chính phủ, người dân ứng phó với đại dịch, cũng với tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước và sẻ chia như họ đã làm trong Tuần lễ Vàng năm 1945.

Chỉ báo về tính độc lập, thịnh vượng của đất nước

“Ngay từ khi lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân với công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Ngày nay, chúng ta đang đặt mục tiêu vào dịp kỷ niệm 100 năm nước nhà độc lập, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Muốn như vậy có nghĩa là phải có doanh nghiệp tư nhân thịnh vượng thì đất nước mới thịnh vượng. Sự lớn mạnh của tư sản dân tộc chính là chỉ báo về tính độc lập, thịnh vượng của đất nước. Điều mà Bác Hồ đã nói cách đây 3/4 thế kỷ bây giờ ngày càng được thể hiện rõ” – TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Giờ đây, chúng ta đang sống trong những tháng ngày chưa từng có khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi. Những đổ vỡ, đổi thay xảy ra khiến chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về sự độc lập, tự chủ và về vai trò rường cột của nền kinh tế tư nhân. Có thể thấy tới đây, sẽ có rất nhiều thay đổi, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sức ép tái cấu trúc, điều chỉnh lại chuỗi cung ứng trên thế giới. Các chuỗi cung ứng, dây chuyền sản xuất sẽ dịch chuyển về gần thị trường để bớt đi rủi ro, đứt gãy. Các nền kinh tế sẽ bảo hộ hơn, đầu tư nội địa nhiều hơn. Là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lắp ráp, vào FDI, chúng ta phải chuẩn bị cho trào lưu dịch chuyển này. Nếu cứ tiếp tục phụ thuộc thì sẽ mãi năng suất thấp, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, khó trở thành nước thịnh vượng.

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp tư nhân, để nền kinh tế thực sự độc lập, tự chủ?

TS. Vũ Tiến Lộc: Những chiến thắng của đất nước ta trong các cuộc kháng chiến đều gói gọn trong bí quyết chiến tranh nhân dân. Đây là vũ khí vô địch của dân tộc để làm nên mọi cuộc chiến thắng trong sự nghiệp cứu nước. Trong việc chiến thắng giặc đói nghèo, phát triển kinh tế cũng vậy, kinh tế nhân dân chính là bảo bối. Lực lượng này đã được nhắc đến trong văn kiện của Đảng, với cụm từ là kinh tế dân doanh.

Kể từ khi cuộc Đổi mới được thực hiện sau Đại hội Đảng lần VI, sự hình thành và phát triển của lực lượng kinh tế tư nhân ngày càng đông đảo, góp phần vào thành quả của cuộc cách mạng, đưa hàng chục triệu người Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, đưa đất nước phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Nếu ví kinh tế Việt Nam như một con tàu, thì đường ray chính là thể chế kinh tế thị trường, người cầm lái là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, còn động cơ là kinh tế tư nhân.

Ngày nay, sau những thay đổi của thế giới hiện đại, với cách mạng 4.0, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu…, mô hình hiện đại xuất hiện nhiều vấn đề. Mục tiêu tối thượng của nhà tư bản là lợi nhuận tối đa không còn là phù hợp, mà còn phải là trách nhiệm xã hội, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, để đảm bảo phát triển bền vững. Đó là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, nền kinh tế thị trường đang thay đổi theo hướng xã hội chủ nghĩa hơn, nhân văn hơn, công bằng hơn.

Việc xây dựng đội ngũ nhà tư sản dân tộc có trách nhiệm xã hội lúc này là nhiệm vụ rất quan trọng. Giờ là lúc chúng ta không chỉ tập trung vào số lượng như trước mà phải tập trung vào chất lượng, để nâng cao chất lượng nền kinh tế. Muốn vậy phải nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nghiệp tư nhân, ngoài vấn đề nâng cao quản trị, công nghệ thì trách nhiệm xã hội là quan trọng hàng đầu. Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững chính là yêu cầu quan trọng nhất của giai đoạn mới.

PV: Trong quá trình phấn đấu để đạt mục tiêu này, ông đánh giá thế nào về vai trò của bộ máy, của thể chế chính sách?

TS. Vũ Tiến Lộc: Môi trường thể chế công khai minh bạch, công bằng chính là bầu khí quyển để doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Muốn biết cuộc chiến tranh thành bại thì hãy nhìn vào đôi mắt của người mẹ tiễn con đi. Muốn biết công cuộc xây dựng kinh tế đất nước thành hay bại thì hãy nhìn vào thái độ của công chức chính quyền với người làm kinh doanh.

Gần đây, người ta nói nhiều đến tư bản thân hữu, đến tham nhũng, môi trường kinh doanh. Thể chế nào thì doanh nhân đó. Nếu công chức tận tâm thì sẽ có đội ngũ doanh nhân phát triển lành mạnh, trách nhiệm. Chúng ta đã làm được rất nhiều để cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả bộ máy công chức. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải bàn đến; vẫn còn chồng chéo, bất cập, chưa đủ sức bảo vệ các doanh nghiệp sáng tạo, làm ăn chân chính. Nên vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là thể chế.

Một vấn đề nữa là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đào tạo. Giáo dục phải đi trước thì mới có lực lượng lao động trình độ cao để chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả, mới là nguồn lực quan trọng nhất để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mặc dù chúng ta đã nói nhiều về 3 đột phá chiến lược nhưng kết quả thì không nhiều. Đây là những cản trở để doanh nghiệp có sức cạnh tranh và trách nhiệm xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngôi sao hy vọng trong công cuộc phát triển đất nước

“Chừng nào chúng ta không phát động được sự nghiệp toàn dân làm kinh tế, phát triển khu vực dân doanh lớn mạnh, chừng đó ta chưa thể thành nước thịnh vượng như Bác Hồ đã nói. Nhưng điều này không phải Chính phủ bỏ tiền ra mà làm được, mà Chính phủ cần khuyến khích và cổ động người dân. Sự nghiệp này vẫn là sự nghiệp của nhân dân. Cho nên, nhân ngày Quốc khánh, nghĩ về tương lai, thì kinh tế tư nhân chính là vũ khí, lực lượng doanh nghiệp tư nhân là ngôi sao hy vọng để chúng ta thành công trong công cuộc phát triển đất nước, có được nền kinh tế tự chủ” – TS. Vũ Tiến Lộc.

Hoàng Yến (thực hiện)

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam