Ngân hàng Chính sách xã hội: Chất lượng tín dụng nâng cao, cải thiện đời sống dân nghèo

19:12 | 02/09/2021 Print
(TBTCVN) - Chất lượng tín dụng không ngừng nâng cao, phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống dân nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng phát triển và giữ vững niềm tin của xã hội, luôn kiên định với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

27

Gia đình chị Điêu Thị Điểm (áo xanh) ở Sơn La được vay 30 triệu đồng năm 2015 vốn ưu đãi để trồng thanh long. Đến nay, cây thanh long ruột đỏ mang lại thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Tín dụng chính sách gần gũi người dân

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội. Thời gian qua, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh các chương trình tín dụng CSXH, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trong hoạt động huy động vốn, nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp..., Ngân hàng CSXH đã huy động có hiệu quả các nguồn vốn và tập trung các nguồn lực tài chính phục vụ tích cực hoạt động cho vay. Cụ thể, ngân sách nhà nước (NSNN) đã cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các tổ chức tín dụng nhà nước tiếp tục duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12 năm trước. Một số nguồn vốn khác cũng đã được huy động hiệu quả như nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh; ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay các chương trình tín dụng chính sách... Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH đã tập trung khai thác các nguồn vốn từ thị trường được NSNN cấp bù lãi suất.

Phát triển ứng dụng công nghệ
thông tin trong hoạt động

Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng ứng dụng hạ tầng công nghệ hiện đại. Việc đầu tư hạ tầng sẽ tạo thuận lợi cho Ngân hàng tích hợp và sử dụng các hạ tầng dịch vụ, thanh toán, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các đơn vị viễn thông cung cấp... Điều này giúp đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phục vụ các đối tượng chính sách được Nhà nước giao, góp phần thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và hiện đại hóa công tác quản trị điều hành của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã bám sát nội dung của chiến lược phát triển. Nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng CSXH chủ yếu do Nhà nước cấp, do Ngân hàng CSXH huy động và nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”; “Trung ương và địa phương cùng làm”. Thành công này thể hiện bằng những con số cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách giai đoạn 2011 - 2020 đạt bình quân 10%/năm. Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2020.

Sự thành công trong công tác huy động các nguồn lực tài chính đã giúp Ngân hàng CSXH đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phương thức thực hiện khoa học, tạo thuận lợi tối đa cho người dân vay vốn.

Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.264 tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2020. Đến cuối năm 2020, gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 56.344 tỷ đồng (chiếm 25%/tổng dư nợ), tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống luôn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chiến lược phát triển, đến hết năm 2020, nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm khoảng dưới 1%/tổng dư nợ.

Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm theo đó đã đạt mục tiêu chiến lược phát triển, nguồn vốn tín dụng chính sách đạt chất lượng và hiệu quả cao trên cơ sở đã tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Niềm tin hướng đến tương lai

Phát huy những truyền thống và kinh nghiệm đã đạt được, Ngân hàng CSXH tiếp tục đặt ra những nhiệm vụ lớn hơn, thách thức hơn trong chặng đường phía trước. Mục tiêu then chốt là luôn hướng tới nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó trong việc phục vụ dân nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào thiểu số, các đối tượng chính sách…

Mục tiêu tổng quát được Ngân hàng CSXH đặt ra trong giai đoạn tới là tăng cường nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với nội dung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngân hàng cũng sẽ không ngừng nâng cao năng lực hoạt động để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng CSXH của Nhà nước cho các đối tượng chính sách theo quy định.

Để đạt được mục tiêu tổng quát trên, Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bình quân hàng năm khoảng 10%. Ngân hàng cũng thực hiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, tự chủ, trong đó, nguồn NSNN cấp theo lộ trình đến năm 2025 đạt 40%/tổng nguồn vốn, tiến tới đến năm 2030 đạt 50%/tổng nguồn vốn. Nguồn lực cấp cho Ngân hàng CSXH được tổng hợp vào vốn đầu tư công trung hạn theo Luật NSNN và Luật Đầu tư công.

Ngân hàng cũng phấn đấu đến năm 2030 đạt nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng 15%/tổng nguồn vốn; tăng nguồn vốn huy động, trong đó nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến năm 2025 chiếm 25%/tổng nguồn vốn, tiến tới đến năm 2030 chiếm từ 30%/tổng nguồn vốn; tiếp cận được nguồn vốn ODA.

Trong công tác cho vay, ngân hàng sẽ đảm bảo 100% đối tượng CSXH đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng với tỷ lệ nợ quá hạn được đặt ra dưới 2%/tổng dư nợ. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Ngân hàng CSXH đã đặt ra những phương pháp làm việc khoa học, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải tiến quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, những đường hướng cơ bản được đưa ra là sẽ đẩy mạnh xã hội hóa và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị về thực hiện tín dụng CSXH; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng CSXH; tiếp tục thực hiện phương thức quản lý tín dụng CSXH hiệu quả phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam.

Xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

“Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang trong công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.
Tôi mong muốn và tin tưởng với những kết quả thành tích trong gần 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, xứng đáng với phần thưởng cao quý là đơn vị “Anh hùng Lao động” của thời kỳ đổi mới.”
Trích phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Lễ trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Ngân hàng Chính sách xã hội cuối năm 2020.

Hoàng Long

Hoàng Long

© Thời báo Tài chính Việt Nam