Đảm bảo nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu

15:58 | 04/09/2021 Print
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện các nhà máy chế biến thủy sản đang phải chịu áp lực "đỉnh điểm", xoay quanh các vấn đề lao động, vận tải và chi phí sản xuất, tiêm vắc-xin…Trong khi dịch Covid-19 còn kéo dài, đòi hỏi ngành thủy sản vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo tăng trưởng.

Nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam

>> Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm trong tháng 9

>> Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng ngành tôm do ảnh hưởng dịch Covid-19

Ngày 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Nhiều khó khăn

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. Các nhà máy đang sản xuất, công suất chỉ khoảng 30-40% do thiếu nhân lực lao động rất lớn. Việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ - 3T" đang đẩy chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ bị chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.

Về hoạt động khai thác thủy sản, đã có 25 cảng cá dừng hoạt động trong tháng 8. Đến ngày 1/9, có 8 cảng được hoạt động trở lại. Hiện còn 17 cảng đang tạm dừng hoạt động. Số lượt tàu vào cảng để bốc dỡ thủy sản tại 25 cảng giảm 59.670 lượt tàu, tương đương 334.000 tấn.

Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Giá sản phẩm thủy sản giảm từ 15-20% so cùng kỳ. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, một trong những áp lực đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản là lực lượng lao động. "Khi lượng vắc-xin không có được đầy đủ ngay, 70% các nhà máy phải ngừng sản xuất, 30% sản xuất theo 3 tại chỗ. Tuy nhiên, điều kiện sản xuất 3 tại chỗ thì cũng chỉ huy động được 20 - 40% số công nhân, tùy theo điều kiện từng nhà máy" - ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, khi giảm người lao động, đồng nghĩa với việc giảm công suất, điều này dẫn đến doanh nghiệp không đủ lượng hàng để cung cấp cho khách hàng đã ký, bên cạnh đó cũng không thu mua được nguyên liệu do bà con nông dân và ngư dân cung cấp, dẫn đến giá giảm giai đoạn đầu tháng 8…

Bà Võ Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, đến nay, diện tích thả nuôi cá tra của địa phương tăng 1%, thu hoạch đạt 98,8% diện tích thả nuôi. Về giống, An Giang vẫn thực hiện sản xuất giống cá tra 3 cấp nhưng do dịch cũng gặp khó khăn. Hoạt động ương dưỡng cá tra giống cầm chừng bởi cá thương phẩm còn tồn trữ trên ao nên cũng ảnh hưởng đến việc thả nuôi. Nếu dịch khống chế được thì từ nay đến cuối năm sẽ thiếu giống cá tra khi người dân thả nuôi lại...

Trước những khó khăn đó, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định: “Nếu tình trạng này không được cải thiện, đứt gẫy chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản là rất lớn và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn”.

Phải đảm bảo tăng trưởng thủy sản

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thủy sản có vai trò rất quan trọng, chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị của ngành Nông nghiệp và là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Thị trường lại đang có nhu cầu thủy sản rất lớn. Trong khi dịch Covid-19 còn kéo dài, đòi hỏi ngành thủy sản vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo tăng trưởng.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các tháng còn lại của năm nay phải đạt sản lượng 2,9 triệu tấn thủy sản để đảm bảo mục tiêu 8,6 triệu tấn thủy sản của cả năm. Do vậy, quan trọng nhất hiện nay phải giải quyết được khâu tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương phải chuẩn bị tốt về vật tư đầu vào sản xuất, nếu không sẽ không đảm bảo điều kiện sản xuất vụ mới.

Từ các kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ NN&PTNT đã làm rất kiên quyết và có văn bản gửi các địa phương về việc tiêm vắc-xin cho lao động trong ngành Nông nghiệp.

Về vận tải, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết chỉ cần có sự thống nhất giữa các địa phương, đưa ra được phương án quản lý tài xế thì vấn đề sẽ được tháo gỡ. Vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu doanh nghiệp nào còn gặp khó thì báo cáo để Bộ NN&PTNT vào cuộc tháo gỡ...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm rà soát và có chính sách hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là người dân trực tiếp sản xuất (về thuế, điện, vốn…). Ưu tiên bổ sung tiêm vắc-xin đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp để cho sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới.../.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam