Tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch

09:23 | 07/09/2021 Print
Thời gian vừa qua, mặc dù thu ngân sách đảm bảo dự toán, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy từ nay đến cuối năm, nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã đảm bảo tập trung mọi nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid-19.

tiền

Dự kiến năm 2021 ngân sách trung ương tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương khoảng 25 - 30 nghìn tỷ đồng. Ảnh: TL.

Đảm bảo nguồn chi chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế

Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP khoảng 6%. Thực hiện thu 8 tháng ước đạt 74,8% dự toán là kết quả tích cực, đảm bảo nguồn lực NSNN chi cho các nhiệm vụ theo dự toán và các nhiệm vụ phát sinh về phòng chống dịch.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới thu NSNN. Thu nội địa giảm từ tháng 4 đến nay. Thu thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô trong tháng 8 cũng giảm so với tháng 7.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương đảm bảo mọi nguồn lực để chi cho công tác phòng, chống dịch, cũng như các giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

8 tháng qua, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm, giãn 85,8 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (72,8 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; 13 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí).

Trong khi đó, nhu cầu tăng chi lớn cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân. 8 tháng, NSNN đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và mua vắc-xin (17,2 nghìn tỷ đồng), hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1,6 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh đó, thực hiện quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xuất cấp 130 nghìn tấn gạo cho 24 địa phương, Bộ Tài chính đã tạm cấp 52 nghìn tấn gạo. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đang phối hợp với các địa phương xác định nhu cầu cụ thể để xuất cấp cho người dân đảm bảo cấp đúng cho đối tượng khó khăn, thực sự cần hỗ trợ. Nếu tính cả số gạo đã cấp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịp giáp hạt đầu năm, thì đến nay Bộ Tài chính đã xuất cấp 74,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia.

Sẽ phát sinh nhu cầu tăng chi lớn cho phòng, chống dịch

Tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp do đó sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi NSNN cả năm 2021.

Để ứng phó với dịch bệnh, NSNN phải đảm bảo nguồn chi đầu tư phát triển (bao gồm kế hoạch năm 2020 chuyển sang) nhằm phục hồi và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản chi trả nợ đến hạn và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo dự toán.

Thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục phát sinh nhu cầu tăng chi lớn cho công tác phòng, chống dịch. Tổng hợp báo cáo của các bộ và địa phương, nhu cầu tăng chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19 theo các kịch bản khoảng 47 - 68 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, cần nguồn lực lớn để chi cho mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch cũng như mua vắc-xin tiêm phòng cho người dân.

Theo ước tính, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch, dự kiến trong năm 2021 ngân sách trung ương (NSTW) tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương khoảng 25 - 30 nghìn tỷ đồng.

Theo tiến độ mua vắc-xin thực tế, đến nay, ngày 31/3/2021, Chính phủ đã quyết định sử dụng 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện mua và tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19. Ngày 30/6/2021, đã bổ sung 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng 61 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất

Trong thời gian tới, cùng với số tiền đóng góp ủng hộ của tổ chức, các nhân vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 (đến nay được khoảng 8,64 nghìn tỷ đồng), tiền NSNN đã bố trí trong năm (18 nghìn tỷ đồng) và nguồn NSTW tiết kiệm, cắt giảm, sẽ bố trí đủ kinh phí để mua vắc xin nhằm thực hiện tiêm chủng miễn phí trên diện rộng cho nhân dân, đảm bảo miễn dịch cộng đồng, để cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Được biết, các địa phương cũng đã chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Trong đó yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, ưu tiên đảm bảo nguồn NSNN và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm việc cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Chính phủ điều chỉnh, cắt giảm, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, đảm bảo cân đối và phấn đấu giữ mức bội chi NSNN năm 2021 trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.../.

Huy động nhiều nguồn cho phòng, chống dịch Covid-19

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 đã được Quốc hội quyết định, trong những tháng cuối năm Bộ Tài chính tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về kinh tế, tiền tệ và tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ Tài chính sẽ chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực NSNN, huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công phòng chống Covid-19 theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt công tác quản lý thu; tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số khoản thu cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế năm 2021./.

Kim Cúc

Kim Cúc

© Thời báo Tài chính Việt Nam